1. Có một câu chuyện ví dụ về cuộc đời. Có một người chèo thuyền xuôi theo dòng sông, có người đứng trên bờ nói lớn cảnh cáo rằng: “đừng có vui thú xuôi dòng như thế nữa, dưới hạ lưu kia có sóng, có dòng xoáy cuốn, có cá sấu và yêu quái dữ sống ở dưới sâu, cứ thế mà xuôi dòng thì phải chết mất đấy”.
Trong ví dụ này “dòng sông” là ví cho đời sống ái dục, “việc vui thú mà xuôi dòng” là ví cho việc chấp trước vào bản thân, “có sóng” là ví cho cuộc sống hận thù và phiền muộn, “có dòng xoáy cuốn” là ví cho cái vui dục lạc, “có cá sấu và yêu quái dữ sống ở dưới sâu” là chỉ cho cuộc sống hủy diệt bởi tội lỗi, và người đứng trên bờ đây là nói đến đức Phật.
Cũng có một ví dụ nữa. Có một người đàn ông phạm tội rồi chạy trốn. Vì bị truy lùng, trong lúc đến đường cùng thì thấy ngay chỗ mình đến có một cái giếng cổ, và có dây leo xuống dưới. Khi anh ta đang bám vào dây leo mà xuống giếng thì nhìn thấy dưới ấy có một con rắn độc đang há miệng chờ. Không còn cách nào khác, anh ta cứ bám vào sợi dây rồi treo tòng teng như vậy. Chẳng bao lâu thì anh ta cảm thấy hai tay đau buốt. Lại xuất hiện hai con chuột đen và trắng gặm nhấm sợi dây ấy.
Nếu sợi dây mà đứt thì chắc chắn anh ta sẽ rơi xuống làm mồi cho rắn độc. Bỗng anh ta ngẩng đầu nhìn lên thì thấy từ một tổ ong gần đó nhỏ xuống một hai giọt mật ong ngọt ngào. Khi ấy người đàn ông ấy quên mất mối nguy của mình mà mê mẫn đi.
Trong ví dụ này, “có một người đàn ông” chỉ cho tướng trạng cô độc một mình sinh ra một mình chết đi, “bị truy lùng” hay “rắn độc” là chỉ cho thân thể của mỗi người vốn có nguồn gốc là ái dục, “sợi dây nơi giếng cổ” là chỉ cho mạng sống của con người, “hai con chuột đen và trắng” là chỉ cho thời gian năm tháng, “giọt mật ong” là chỉ cho cái vui dục lạc trước mắt.
2. Lại có một câu chuyện nữa. Có một ông vua sở hữu một cái hộp nhốt bốn con rắn độc. Ông ra lệnh cho một người đàn ông nuôi bốn con rắn đó và bắt anh ta phải hứa nếu làm cho một trong bốn con rắn đó nổi xung lên thì anh ta phải chết. Người đàn ông sợ cái lệnh ấy của nhà vua nên quăng cái hộp mà bỏ trốn.
Vua biết chuyện, liền sai cho năm vị hạ thần đuổi theo. Họ giả vờ lân la để bắt về. Người đàn ông này không tin nên lại chạy trốn vào một ngôi nhà trong làng.
Khi đó, trên không trung bỗng có tiếng nói rằng: “trong làng này không có ai cả và đêm nay sẽ có sáu tên cướp đến làng này”. Người đàn ông hết sức kinh hãi và lại trốn đi nơi khác. Anh ta đến một dòng sông có sóng lớn, khó mà băng qua sông được. Vì nghĩ rằng ở lại bên này thì nguy hiểm nên anh ta bèn làm một chiếc bè. Thật là thập tử nhất sinh, cuối cùng anh ta cũng đã qua được bờ và bắt đầu cảm thấy an lành.
Bốn con rắn độc là bốn yếu tố đất nước lửa gió tạo thành con người. Chúng có nguồn gốc là lòng dục, là kẻ địch của tâm con người. Do đó, người đàn ông kia đã chán ghét thân này mà bỏ chạy.
Năm viên quan hạ thần giả vờ làm quen với anh ta là năm yếu tố cấu thành thân tâm của con người.
Căn nhà anh ta ẩn náu trong làng là sáu quan năng của con người. Sáu tên cướp là sáu đối tượng của sáu quan năng ấy.
Như thế, nhìn thấy sự nguy hiểm của các quan năng nên lại bỏ trốn, nhìn thấy con sông có sóng lớn là những hoạt động điên cuồng của phiền não.
Chèo chiếc thuyền giáo pháp băng qua con sông phiền não sâu vô tận này và đã đạt đến bờ bên kia một cách an lành. 3. Trên cõi đời, có ba trường hợp mà mẹ cũng khó có thể cứu được con, con cũng khó có thể cứu được mẹ. Đó là khi có tai hoạ về cháy lớn, khi có tai hoạ về lụt lớn, khi có tai nạn về trộm cướp lớn. Nhưng ba trường hợp tai nạn này đôi khi mẹ con có thể còn cứu nhau được. Ở đây nói đến ba trường hợp tai hoạ mà mẹ không thể cứu con, con không thể cứu mẹ. Đó là, khi cái già đoanh vây, khi cái bệnh đoanh vây, khi cái chết đoanh vây.
Người con làm sao thay thế được cái già của mẹ? Cho dù người con có khóc lóc vì cái bệnh hoành hành thì người mẹ làm sao có thể bệnh thay cho con? Cho dù là mẹ con, đối với cái chết của người con, hay cái chết của người mẹ, thì họ cũng không thể nào thay thế cho nhau được. Cho dù tình thương của mẹ con sâu nặng đến chừng nào thì trong trường hợp này cũng không thể giúp nhau.
4. Đối với người có tội, khi còn sống trong thế giới này làm nhiều điều ác, chết đi đoạ vào địa ngục, Diêm Ma vương tra hỏi: “Nhà ngươi khi còn sống trên cõi người đã không gặp ba vị thiên sứ sao? “Thưa đại vương, tôi không có gặp những vị ấy. “Thế ngươi có từng gặp người già lưng còng, chống gậy đi run rẩy không? “Thưa đại vương, người già như thế thì nhiều lắm. “Nhà ngươi dù đã gặp thiên sứ ấy, vậy mà không nghĩ mình cũng sẽ già đi mà mau mau làm điều thiện, nên bây giờ phải chịu quả báo.” Diêm Ma vương lại hỏi: “Nhà ngươi có từng thấy người bị bệnh một mình không thể dậy được, mắt mờ, gầy yếu khốn khổ không? “Thưa đại vương, người như thế thì thấy nhiều lắm. “Nhà ngươi đã gặp thiên sứ
Diêm Ma vương lại hỏi: “Nhà ngươi có từng thấy người chung quanh nhà ngươi chết không? “Tâu đại vương, tôi đã nhìn thấy nhiều người chết lắm. “Nhà ngươi đã từng gặp thiên sứ cảnh báo sự chết chóc, vậy mà không nghĩ mình sẽ chết, lười nhác làm điều lành nên nay nhận quả báo. Những gì nhà ngươi đã làm thì nay nhà ngươi phải chịu nghiệp báo của nó.”
5. Có câu chuyện có một người phụ nữ trẻ tên là Kisagotami. Do đứa con trai duy nhất còn rất nhỏ của cô ấy chết. Cô ta mất trí, ôm cái xác con mình đi khắp nơi tìm người cứu chữa.
Không thể làm gì được với người phụ nữ điên loạn này, người trong làng chỉ biết xót xa nhìn sự việc. Có vị đệ tử của Phật thấy thế bèn khuyên cô ấy đến chỗ đức Thích Tôn ở tinh xá Kỳ Viên, thế là người phụ nữ tức tốc ôm con đến chỗ đức Phật.
Đức Thế Tôn yên lặng nhìn rồi nói: “Này chị, để trị lành cho đứa bé này thì cần vài hạt cây Anh Túc. Chị hãy đi vào làng xin cho ta vài hạt. Nhưng những hạt Anh Túc đó phải từ những nhà nào mà không có bà con thân thuộc chết nhé.” Thế rồi người phụ nữ điên đi vào làng tìm hạt Anh Túc. Hạt Anh Túc thì dễ có, nhưng nhà không có người chết thì không thể tìm ra được. Cuối cùng người phụ nữ này không kiếm được hạt và trở về chỗ đức Thích Tôn. Nhìn thấy thái độ điềm tĩnh yên lặng của ngài, cô gái chợt ngộ được ý nghĩa lời Phật, cảm thấy như vừa tỉnh mộng, cô đem con chôn cất xong liền trở về quy y thành đệ tử của ngài.