Thế giới các linh hồn: 1001 bí ẩn chưa có lời giải

Thế giới các linh hồn: Thế giới những điều bí ẩn

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tranh cãi về một cách giải thích cũng dựa trên sự kết nối thần kinh của bộ não, nhưng không liên quan với tính đối ngẫu như trên. Nó xuất phát từ một thực tế là, hầu hết các xã hội săn bắn – hái lượm trên thế giới đều có hệ niềm tin chung là vu thuật, cho dù nó có nhiều biến thái khác nhau. Cộng đồng vu thuật luôn tin rằng, ngoài thế giới mà họ đang sống, còn có thế giới các linh hồn.

Nhiệm vụ của pháp sư là thâm nhập thế giới đó để giao tiếp với các linh hồn, chữa lành bệnh tật, kiểm soát môi trường động vật và thay đổi thời tiết. Muốn
thế họ phải trải qua “trạng thái ý thức thay đổi”, từ sự phân ly nhẹ tới ảo giác mạnh hay chiêm bao. Khi đó, họ có thể gặp một linh hồn động vật để nhận được sức mạnh và sự giúp đỡ của nó.

Theo cách giải thích này, hang động thời Đồ Đá Mới là con đường dẫn tới thế giới bên kia. Những cố gắng thể lực khi phải bò sâu xuống hang sẽ trợ giúp thêm cho trạng thái cách ly cảm giác, vì khi đó cơ thể tiết ra các hóa chất tạo thuận cho sự thăng thiền. Trong vương quốc đó, các pháp sư tìm kiếm linh hồn động vật trong vai kẻ giúp đỡ và những hình ảnh khác. Bằng cách nhìn và tiếp xúc, cũng như đốt đuốc lên rồi lại dụi tắt đi, họ xem vách hang chính là tấm màng ngăn cách họ và thế giới các linh hồn.

Khi tin là đã nắm bắt được một linh hồn động vật, họ liền “kéo” nó qua màng ngăn và dùng kỹ năng nghệ sĩ để “cố định” cái mà họ “nhìn thấy” lên vách hang. Đó là lý do tại sao nhiều hình ảnh dường như xuất phát từ hình dạng bề mặt phiến đá, hay là một phần của phiến đá. Mặt khác, một số hình ảnh lớn và phức tạp đến mức hình như chúng do một nhóm người tạo nên. Với các phiến đá có sẵn, con người có thể chuẩn bị cho những hình ảnh sẽ đến với họ phía sâu trong hang.

Vu thuật là hệ niềm tin và tư tưởng năng động mà con người có thể xử lý và thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh xã hội. Một số đặc trưng cơ bản của nó, như niềm tin vào thế giới bên kia, dường như không thay đổi trong suốt thời Đồ Đá Mới, nhưng các đặc tính khác thì có thể thay đổi sau mỗi thiên niên kỷ.

Dựa trên các bức tranh trên đá tại Nam Phi, mới đây, David Lewis-Williams và Thomas Dowson (1988) đề xuất một giả thuyết bất ngờ. Họ cho rằng, chúng thường được tạo ra trong sự tự thăng thiền. Tâm lý học cho rằng, trong các trạng thái ý thức thay đổi xuất hiện do thiền, do dùng chất gây ảo giác hay do cách ly cảm giác, bộ não và con mắt sẽ phối hợp nhau để tạo ra các hình ảnh khác thường. Họ cũng cho rằng, các hình ảnh như thế không chỉ xuất hiện trong “nghệ thuật“ đá Nam Phi, mà còn tại Lascaux nước Pháp, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.

Một số câu hỏi quan trọng liên quan với “các bảo tàng nghệ thuật” tại Ardethe và các hang động khác có thể giải đáp bằng quan niệm vu thuật. Số khác thì chưa. Chẳng hạn, hình ảnh bò tót có ý nghĩa khác hình ảnh con ngựa như thế nào? Chú ngựa khắc trên miếng xương mang theo người có khác ngựa vẽ trong hang hay không? Đơn giản là chúng ta chưa rõ. Chỉ có một điều đã hoàn toàn rõ là, những bức bích họa trầm mặc đó cho thấy, tại Chauvet và tại nhiều nơi khác, chúng ta đã may mắn tiếp xúc với thế giới mất đã từ lâu của con người thực sự đầu tiên.

Khi tìm hiểu nội dung, ý nghĩa và động cơ của “nghệ thuật” thời tiền sử, chúng ta cần tránh cái nhìn đơn cực, như Ucko và Rosenfeld chỉ ra từ 1967. Vì trên tất cả, đó chính là con người phức tạp, với khả năng tích hợp hoàn hảo các quan niệm vũ trụ, ma thuật và các mục tiêu chức năng trong cùng một tác phẩm.

Viết một bình luận