Thế giới những điều bí ẩn: Mối liên hệ giữa “động táng lớn nhất Việt Nam” với các động táng trên thế giới
Xung quanh phát hiện về “Động táng lớn nhất Việt Nam” hay “Hang Ma”, nơi có hàng trăm cỗ quan tài gỗ của người xưa được “treo” và “chôn” ở các hang núi sát bờ sông Mã, sông Luồng, tại xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, một loạt câu hỏi đã được đặt ra: Tục động táng ở Quan Hóa có liên quan gì với tục động táng của các cư dân ở một số nước lân cận?
Tục động táng trên thế giới Tục chôn người chết, đặt quan tài trong hang núi là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới, nhưng chủ yếu ở các vùng núi non châu Á (đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc) và châu Mỹ (nơi sống của người Indian – da đỏ có tổ tiên từ châu Á tới cách đây hơn 10.000 năm).
Cội nguồn của tục này liên quan tới tính biểu tượng của hang – ngôi nhà đầu tiên của nhân loại. Từ đó, hang được đồng nhất với tử cung của người đàn bà, nơi con người sinh ra, và để được tái sinh, phục sinh, người chết cần trở về đó. Hang núi cũng được coi là một nơi nối đất với trời, nơi gần trời nhất nên cũng là nơi tốt nhất để chôn người chết (các hoàng đế Trung Hoa cổ đại thường được chôn trong hang để linh hồn họ dễ siêu thoát lên trời, trở thành tổ tiên – thần linh).
Hang núi để chôn người chết có thể là hang núi tự nhiên, nhưng cũng có thể là hang núi nhân tạo (các pharaon Ai Cập được chôn trong các kim tự tháp hình núi). Một biến thể của tục động táng là việc chôn người chết trong các quan tài đá, trong các ngôi mộ xếp đá ở quanh (còn thấy ở người Mông) và các khu mộ có chôn cột đá (còn thấy ở vùng người Mường)…
“Hang ma” ở Trung Quốc Tại Trung Quốc, “hang ma” không còn là một hiện tượng kỳ lạ gây sốc bởi cho đến nay đã được phát hiện ở 13 tỉnh và khu tự trị, từ tỉnh Tứ Xuyên phía tây sang Phúc Kiến phía đông, từ Thiểm Tây phía bắc xuống Quảng Đông phía nam. Riêng tại thành phố Thượng Lộ thuộc tỉnh Thiểm Tây, các nhà khảo cổ học đã tìm ra 680 di chỉ với 4.220 hang mộ (tự nhiên hay nhân tạo) với các quan tài gỗ được đặt trong hang hay treo trên sườn núi đá dốc đứng. Đa số các hang mộ đơn có hình chữ nhật, sâu 3m. Tại các hang mộ tập thể, trên vách còn khắc hình bếp, giếng, miếu thờ.
Khu hang mộ nổi tiếng nhất Trung Quốc nằm trên núi Long Hổ, tỉnh Giang Tây, nơi được coi là “Thiên cung” bởi có cảnh đẹp sơn thủy mê hồn, và đó cũng là quê hương của Đạo giáo. Tại đây, trên các vách đá dọc sông, cách mặt nước từ 20 đến 300 m và hướng về phía đông có hàng trăm hang hay huyệt mộ, bên trong treo một hay hơn chục quan tài gỗ hình nhà hay hình thuyền, nặng từ 150 đến 500 kg.
Các hiện vật trong các quan tài cho thấy chủ nhân của các hang mộ này là người Bách Việt sống vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc (năm 770 đến 221 trước Công nguyên).
Do có số lượng hang mộ lớn, phân bố rộng trên một địa hình hiểm trở và độc đáo, ngọn núi này được vinh danh là “Bảo tàng khảo cổ học tự nhiên số 1” của Trung Quốc. Năm 1983, nó được đặt trong sự bảo tồn đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc và vào năm 2000, được coi là một trong 11 khu bảo tồn địa chất quốc gia của Trung Quốc.
Hơn 10.000 người, gồm các học giả và người dân địa phương đã đưa ra các cách giải thích khác nhau. Một số người cho rằng, cách đây hơn 2.000 năm, mực nước sông cao hơn ngày nay nên người xưa có thể đã dùng thuyền chở các quan tài đến các hang không cách mặt sông bao xa. Một số khác lại cho rằng các hang mộ trên nguyên ở vùng núi thấp, nhưng do biến đổi địa lý nên chúng mới được tôn lên độ cao như ngày nay.
Một số khác nữa đưa ra giả thuyết: người xưa tạo ra các hang mộ trên vách núi cao để mộ tổ tiên họ không bị phá phách, và để làm điều đó họ đã dựng lên một hệ thống giàn giáo bằng tre, gỗ hay dùng ròng rọc để kéo các quan tài nặng trĩu từ các con thuyền lên. Thậm chí có những người còn đưa ra giả thuyết về việc người xưa dùng các dạng khinh khí cầu, cần cẩu nguyên thủy trong việc di chuyển các cỗ quan tài lên vách núi. Một số nhóm nghiên cứu còn tổ chức thí nghiệm, thực nghiệm lại các phương pháp dân gian trong việc đưa người và những vật nặng lên cao. Tuy nhiên, chưa có cách lý giải nào được công nhận.
“Hang ma” ở Indonesia Tại Indonesia, tục động táng được bảo lưu dai dẳng ở một số nhóm Toraja, đảo Sulawesi. Điều lý thú là, một số học giả cho rằng tổ tiên xa xưa của họ đã di cư từ Đông Sơn, Việt Nam hay từ Đông Dương tới. Do có hoàn cảnh địa lý – lịch sử khá ổn định, cách biệt, văn hóa cổ truyền Toraja cho đến gần đây vẫn bảo tồn được khá nhiều phong tục Đông Sơn như xăm mình, cà răng, ăn trầu, đánh cồng chiêng hay giã cối làm hiệu khi có người chết.
Đặc biệt, ngôi nhà cổ truyền Toraja (tongkonan) có hình hài giống hệt với dạng nhà mái sống võng trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ thời Đông Sơn. Các nhà nghiên cứu còn thấy những chiếc chày đập vỏ cây Toraja giống hệt chiếc chày đập vỏ cây của Văn hóa Phùng Nguyên cũng như sự giống nhau gần như tuyệt đối về hoa văn giữa một ống tre Toraja và một ống tre Tây Nguyên.
Cho đến nay, tại một số nơi, người Toraja vẫn còn bảo lưu tục động táng, tức đưa các quan tài (thường là của những người chức sắc, giàu có) về các hang nhân tạo trên vách núi. Các quan tài này có hình con trâu (con vật thần thoại là chúa tể của âm phủ) hoặc hình thuyền (tương tự ngôi nhà của người sống). Điều lý thú là họ gọi các hang mộ đó là liang (hang) hay lo’ko (lỗ) hai từ rõ ràng rất gần gũi với hai từ hang và lỗ của người Việt.
Với người Toraja, tục động táng được gắn với các quan niệm về nơi an nghỉ của người chết là ở phía tây hoặc nam, “nơi gần trời nhất”, “nơi có cửa trời”, “nơi có thang nối đất với trời”, “nơi thượng nguồn một con sông” gắn với truyền thuyết tổ tiên họ “đã đi thuyền tới vùng đất mới”. Và vì thế, nơi chôn cất lý tưởng là các hang núi. Việc đưa người chết tới những nơi đó được tin là sẽ giúp linh hồn họ được siêu thoát, thanh thản, để họ phù hộ người sống và sẽ dễ dàng được phục sinh ở một kiếp mới.
Hiện nay, đám ma và hang mộ Toraja đã trở thành hai “sản phẩm du lịch” của Indonesia.
Mối liên hệ giữa động táng ở Quan Hóa với di chỉ Cánh đồng Chum ở Lào Tại Lào, Cánh đồng Chum với hơn 3.000 chiếc chum lớn bằng đá (cao: 2 – 3 m, 25 m; đường kính miệng: 1-3 m; nặng: 2-13 tấn) là di chỉ khảo cổ nổi tiếng nhất và cũng chứa đựng nhiều bí ẩn nhất. Trong tương lai, nhiều khả năng, nó sẽ được công nhận là một di sản thế giới.
Cho đến nay đã có nhiều truyền thuyết và giả thuyết khoa học lý thú quanh ba vấn đề: chủ nhân, niên đại, chức năng của những chiếc chum đá ở đây.
Theo giả thuyết khoa học được nhiều học giả ủng hộ nhất cho đến nay, Cánh đồng Chum chính là một khu mộ lớn với các chum đá là các quan tài hay tiểu chứa xương người chết được hỏa thiêu trong một cái hang gần đó. Phần lớn vật tùy táng trong hang và trong chum có niên đại từ thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Một số vật tùy táng đất nung có hình dáng gần gũi với những chiếc trống đồng Đông Sơn cho thấy mối quan hệ của văn hóa Cánh đồng Chum với văn hóa Đông Sơn.
Trong khi đó, ở Thái Lan, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một động táng quan trọng tại hang Ongbah với hơn 90 quan tài gỗ hình thuyền có niên đại năm 403 trước Công nguyên đến năm 25 sau Công nguyên. May mắn là trong số các vật tùy táng thoát khỏi sự đào bới, cướp phá của dân địa phương, vẫn còn lại 6 trống đồng. Đặc biệt, những bộ xương trong các quan tài cho thấy chủ nhân của chúng cao lớn hơn so với những cư dân bản địa Đông Nam Á. Điều này không khỏi khiến một số học giả gắn kết chủ nhân của các quan tài ở hang Ongbah với chủ nhân của Cánh đồng Chum, tiếp đó, với các truyền thuyết cũng như giả thuyết khoa học một thời về sự thiên di của những người gốc Ấn – Âu từ Trung Á qua Ấn Độ tới Tây Nam Trung Quốc tới Đông Dương.
Giờ đây, có lẽ bí ẩn lớn nhất của các động táng Quan Hóa chính là những bộ xương có kích cỡ khác thường của chúng. Hy vọng, các phân tích ADN trong tương lai sẽ giải đáp các bí ẩn này và cho thấy mối liên hệ giữa chủ nhân các động táng ở Quan Hóa, cánh đồng Chum và ở các vùng xa hơn.