Cuộc Sống chỉ thực sự phong phú khi nó tràn ngập tình yêu và sự cao thượng. – Elbert Hubbard
Tôi tin rằng mỗi vật thể quanh ta đều chứa đựng một kỷ niệm nào đó.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi được gìn giữ trong chiếc hộp sắt cũ kỹ đặt trên kệ sách. Đó là chiếc hộp mà tôi thường mở ra xem mỗi khi muốn tìm lại chút kỷ niệm buồn vui xưa cho riêng mình.
Đó là kỷ niệm về mối tình đầu chân thành của tôi với một cô gái người Nhật tên Hitomi – nghĩa là Thanh Khiết. Tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả hết vẻ đẹp của nàng. Năm đó, tôi 26 tuổi, còn nàng 21. Hitomi có dáng cao, thơn thả, mái tóc đen mượt, rất nổi bật với nét đẹp cân đối, hài hòa. Nhưng tôi nhớ nhất là đôi mắt nàng. Mỗi lần Hitomi nhìn tôi, tôi cảm giác như tâm hồn mình được truyền thêm nguồn năng lượng mới mẻ, mãnh liệt. Và tôi đã yêu. Hitomi là cô gái sống nội tâm, tình cảm, mỗi ngày đối với nàng dường như rất đặc biệt và quan trọng. Sau này, tôi mới hiểu tại sao.
Một tháng sau khi quen nhau, nàng trao cho tôi một gói nhỏ bọc trong chiếc khăn tay và nói:
– Em có quà cho anh đây.
Tôi mở ra, ngạc nhiên với những gì nhìn thấy: một chiếc hộp sắt cũ, trên nắp hộp là hình một đám cưới, có vẻ như chụp từ 60 năm trước.
– Cảm ơn em!
– Tôi nói với vẻ đùa cợt, nhưng nàng vẫn tỏ ra hoàn toàn nghiêm túc.
– Anh mở nó ra đi.
Những gì nhìn thấy càng khiến tôi sửng sốt: phía trong hộp có dát một lớp vàng sáng lấp lánh.
– Mỗi tháng bên nhau, em sẽ đặt một mảnh giấy trắng vào hộp.
– Nàng giải thích.
– Những lúc giận hòn, em sẽ đặt vào hộp một mảnh giấy màu đỏ, ngược lại sẽ là màu xanh. Sau một năm, em sẽ treo nó lên cây cầu nguyện ở đền Nishiohama. Trời Phật sẽ phù hộ cho tình yêu chúng mình. Một ngày nào đó khi xem lại, anh và em sẽ biết được tình yêu của mình được thể hiện như thế nào.
Khoảng giữa năm thứ ba kể từ khi chúng tôi yêu nhau, Hitomi lâm bệnh. Nàng vẫn biết sức khỏe mình không tốt nhưng khuyên tôi không nên lo lắng. Cha mẹ nàng buộc nàng nhập viện. Vài tuần sau, tôi mới được phép vào thăm.
Tôi nhẹ nhàng hôn lên môi Hitomi, nàng mỉm cười rồi chỉ vào mấy mảnh giấy trắng trên kệ:
– Em muốn đem đến cho anh nhưng em không đi được, rất tiếc. Anh đặt chúng vào hộp giúp em với.
Nước mắt tuôn trào, tôi hôn lên trán nàng rồi lặng nhìn làn da xanh xao, nhợt nhạt sau nhiều lần hóa trị. Giờ đây, tôi thực sự hiểu thấu lòng nàng. Lòng tôi đau nhói một dự cảm chia lìa.
Hitomi mất sau đó hai ngày. Dù gì đi nữa, tôi vẫn tin – một niềm tin bất diệt – rằng nàng là của tôi và mãi mãi của tôi mỗi khi tôi mở hộp sắt cũ này. Không ai biết được ý nghĩa lớn lao của nó ngoại trừ tôi và nàng, về sau, khi ai đó hỏi về mối quan hệ giữa tôi và Hitomi, tôi trả lời rằng: “7 trắng, 4 đỏ và 2 xanh”.