1. Có hai loại phiền não che khuất Phật tánh thanh tịnh.
Một là phiền não thuộc tính biết. Hai là phiền não thuộc tính cảm.
Hai loại phiền não này là phân loại căn bản của tất cả phiền não. Nếu tìm hiểu gốc rễ của những phiền não này thì đó là vô minh và ái dục.
Vô minh và ái dục này có năng lực sinh ra tất cả phiền não.
Và chính hai thứ này là căn nguyên của tất cả phiền não của chúng sanh.
Vô minh là vô tri, là không hiểu biết về đạo lý của sự vật.
Ái dục tức là dục vọng bức bách, là căn bản của chấp trước đối với cái sanh, có dục vọng muốn đối với cái thấy cái nghe, và ngược lại cũng còn có dục vọng muốn chết.
Dựa trên vô minh và ái dục này, những phiền não như tham, sân, si, tà kiến, oán hận, ghanh ghét, nịnh hót, lừa dối, kiêu ngạo, khinh khi, vô tâm, ích kỷ và nhiều thứ phiền não khác được sinh khởi
2. Tham sinh khởi do vì nhìn thấy điều vừa ý rồi có ý nghĩ không đúng đắn. Sân sinh khởi là do vì nhìn thấy điều không vừa ý rồi có ý nghĩ không đúng đắn. Si là do vì vô
tri, không biết điều nên làm, điều không nên làm. Tà kiến khởi lên là do vì thọ nhận sự giáo huấn không đúng đắn rồi có suy nghĩ không đúng đắn.
Tham sân si là ba ngọn lửa của thế gian. Lửa tham làm nổi lòng dục, thiêu đốt con người mất tâm chân thật. Lửa sân làm nổi nóng giận, thiêu đốt con người hại mạng chúng sanh. Lửa si làm mê mờ tâm trí, thiêu đốt con người không hiểu biết Phật pháp.
Quả thật, thế gian này bị thiêu đốt bởi nhiều thứ lửa. Lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh già bệnh chết, lửa sầu bi khổ ưu, ngùn ngụt cháy lên với nhiều loại lửa như thế. Những ngọn lửa phiền não này không chỉ có thiêu đốt ta mà còn dẫn đến hành động làm khổ người khác bằng những hành vi bất thiện từ thân, miệng, ý. Hơn nữa, những vết thương mưng mủ từ những ngọn lửa đó sẽ làm độc, tức dẫn con người đi vào con đường ác.
3. Lòng tham sinh khởi do ý muốn có nhiều, sân sinh khởi do cảm giác không có đủ, si sinh khởi do ý nghĩ không trong sạch. Tham thì ô nhiễm của tội lỗi tuy ít nhưng không dễ từ bỏ nó. Sân thì ô nhiễm tội lỗi nhiều nhưng có thể từ bỏ nó nhanh hơn. Si thì ô nhiễm tội lỗi nhiều và rời bỏ nó không dễ dàng.
Do đó, con người cần phải nghĩ đúng khi nhìn thấy tướng trạng điều mình ưa thích, nuôi dưỡng lòng từ khi nhìn thấy những thứ mình không ưa, thường phải tư duy đúng đắn thì có thể dập tắt ba ngọn lửa này. Nếu con người khi nào cũng đầy đủ chánh tâm, thanh khiết, vô tư thì sẽ không bị phiền não quấy nhiễu.
4. Tham sân si là những thứ như cơn nóng sốt. Dù bất cứ ai, hễ có cơn sốt đó thì dù có nằm trong phòng tráng lệ thế nào đi chăng nữa cũng trằn trọc bởi cái nhiệt đó và khổ sở không thể ngủ ngon giấc được.
Người không có những cơn nóng sốt là ba thứ phiền não này thì dù là đêm đông mà ngủ trên sàn mỏng với nệm bằng lá khô cũng vẫn ngủ ngon giấc, đêm hè dù có nằm trong gian phòng chật hẹp kín bưng cũng vẫn ngủ ngon lành.
Ba thứ tham, sân, si này là nguồn gốc sầu bi và đau khổ của thế gian. Để chấm dứt sầu bi và đau khổ ấy thì phải tuân theo giới cấm, thực hành thiền định và phải có trí huệ. Tuân theo giới cấm để dẹp bỏ ô nhiễm của lòng tham, thực hành thiền định là để dẹp bỏ ô nhiễm của sân hận, trí tuệ là để dẹp bỏ nhiễm ô của si mê.
5. Dục vọng của con người là vô cùng, cũng giống như cái khát của người uống nước muối, không bao giờ hết khát.
Anh ta sẽ không bao giờ thấy uống đủ, cơn khát càng lúc càng tăng.
Con người muốn thỏa mãn cái muốn, nhưng chỉ lại chứa chất điều bất mãn.
Con người tuyệt nhiên không thể làm thỏa mãn cái muốn được, và rồi có cái khổ sở vì cầu mà không được, khi không thể thỏa mãn, thì trở nên điên cuồng.
Con người chiến tranh vì lòng tham muốn, vì cái muốn mà đấu tranh. Vua với vua, thần với thần, cha với con, anh với em, chị với em, bạn bè với bạn bè, chỉ vì lòng tham muốn mà điên cuồng cải vã lẫn nhau, giết chóc lẫn nhau.
Và con người vì lòng tham muốn mà hủy hoại cả thân mình, trộm cắp, lừa đảo, hoang dâm. Đến khi bị bắt, chịu đựng hình phạt thì buồn phiền đau khổ.
Con người cũng vì lòng dục mà chất chồng tội lỗi từ thân, miệng, ý. Không những chịu nhiều sự khổ nơi cõi đời này mà đời sau, khi chết đi còn phải đi vào thế giới tối tăm, chịu nhiều điều khổ sở.
6. Ái dục là vua của bao phiền não, tất cả mọi phiền não đều theo đó mà sinh ra.
Ái dục như mảnh đất ẩm có gieo mầm phiền não, sinh ra đủ mọi loại phiền não. Ái dục như ác quỷ ăn nuốt tính thiện, các thiện pháp sẽ bị tiêu diệt.
Ái dục như con rắn độc trú ẩn trong hoa, sẽ châm nọc độc sát hại người muốn hoa dục vọng. Ái dục như dây leo quấn vào cây làm cho cây khô héo đi, ái dục quấn vào tâm người, hút hết chất thiện trong tâm con người. Ái dục như miếng mồi ném cho ác ma, con người nếu bị cuốn vào đây thì sẽ chìm đắm vào con đường của ác ma.
Nếu cho con chó đói một mẫu xương khô bôi máu, con chó gặm ngấu mẫu xương ấy chỉ được mệt mỏi và lao nhọc. Ái dục không thể nuôi dưỡng tâm con người cũng giống hệt mẫu xương và con chó đói kia.
Bầy thú tranh nhau miếng thịt rồi cấu xé nhau. Kẻ ngu si cầm bó đuốc mà đứng ngược gió nên bản thân mình bị thiêu cháy. Cũng như bọn mãnh thú kia, và cả như người ngu này, con người vì lòng dục mà làm tổn hại thân mình, thiêu cháy thân mình.
7. Con người ta có thể tránh mũi tên độc bắn từ bên ngoài vào, nhưng không có cách nào tránh được tên độc bắn từ bên trong. Bốn thứ tham, sân, si và kiêu ngạo được ví như bốn thứ tên độc làm phát sinh ra đủ thứ bệnh tật.
Khi tâm có tham sân si thì miệng con người ta sẽ nói dối, nói thừa, nói lời ác, nói hai chiều, thân sẽ phạm phải sát sinh, trộm cắp và tà hạnh.
Ý có ba điều, miệng có bốn điều, và thân có ba điều, đấy là mười điều ác.
Nếu con người có thói quen nói dối, một cách tự nhiên, không ác sự gì mà không thể phạm. Vì làm điều ác nên họ phải nói dối, và khi họ đã nói dối được thì họ sẽ làm điều ác một cách bình thường.
Lòng tham, ái dục, lo sợ, sân giận đều do ngu si mà ra, bất hạnh, xui xẻo cũng từ ngu si mà ra. Ngu si thực sự là bệnh độc của con người.
8. Từ phiền não mà có ác nghiệp, từ ác nghiệp mà dẫn đến khổ đau. Phiền não, ác nghiệp, khổ của con người là cái bánh xe quay hoài không ngừng nghỉ.
Vòng quay của bánh xe này là vô thỉ vô chung. Nhưng con người không biết là cần phải tránh khỏi vòng luân hồi này, luôn phải theo vòng luân hồi quay về chỗ cũ, từ kiếp sống hiện tại đến kiếp sống sau này, cứ tái sanh mãi mãi.
Trong vòng luân hồi vô tận, kiếp sanh tử của con người được ví nhiều đến nỗi nếu chất xương tử thi thì cao hơn núi, nếu tập hợp sữa đã từng bú mẹ thì sữa ấy nhiều hơn nước biển.
Do đó, cho dù nói con người có Phật tánh nhưng do vì lún sâu trong bùn lầy phiền não mà khó nảy mầm. Phật tánh chưa nảy mầm ấy cho dù là có nhưng không thể nói có.
Đây là lý do vì sao si mê của con người cứ liên miên bất tận.