Thế giới những điều bí ẩn: Đại dương đưa chúng đến?
Tuy nhiên, khác với những hòn đá hình cầu ở những nơi khác trên thế giới, trong một số khối đá Kazakhstan lại có dấu tích của các loại sinh vật biển như sò, ốc. Dựa trên cơ sở đó, một vài nhà khoa học nêu giả thuyết các khối đá này có nguồn gốc từ đáy biển. Những vụ nổ trong lòng núi lửa dưới đáy biển cũng có thể làm bắn ra những “giọt” nham thạch tự tạo thành hình cầu trong môi trường nước. Mà giả sử ban đầu chúng gồ ghề chứ không tròn thì theo thời gian, những dòng chảy ngầm đã mài mòn các cạnh sắc của chúng rồi đẩy chúng lăn trên đáy biển khiến các khối đá dần có dạng hình cầu. Qua hàng triệu năm, đáy biển có thể phồng lên, nhô cao để rồi về sau biến thành đồng cỏ hay hoang mạc, khiến các khối đá nằm trơ trên mặt đất.
Thuyết này được củng cố bởi các chứng cứ khoa học cho biết ở vùng đất Kazakhstan từng tồn tại đại dương Tethis vào thời tối cổ. Cách đây gần 10 triệu năm, do các hoạt động kiến tạo địa lý của trái đất, đại dương Tethis biến mất, để lộ đáy với những tảng đá từng lăn trong nước. Có thể ở thời kỳ mới “xuất đầu lộ diện”, các tảng đá vẫn còn một số góc cạnh gồ ghề. Nhưng sau nhiều triệu năm, gió đã hoàn tất công đoạn cuối cùng, giúp chúng có được hình dạng tròn vo lý tưởng như ngày nay. Cần biết rằng, dưới tác động của gió, cùng với sự thay đổi khí hậu qua nhiều giai đoạn với hai chu kỳ băng hà – khô nóng, thậm chí sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ban ngày và đêm (như ở hoang mạc Kazakhstan) cũng khiến trên bề mặt nhiều khối đá tròn ở Kazakhstan xuất hiện hiện tượng nứt nẻ. Mà nứt nẻ là khởi đầu của sự bong tróc. Qua hàng triệu năm có thể những khối đá ở đây đã bị bong tróc nhiều lớp rồi.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, phần lớn các loại đá lộ thiên trên trái đất đều hình thành từ phún thạch, nhưng hiện tượng bong tróc lại không phải xảy ra với tất cả chúng. Điều này có thể giải thích một cách tương đối như sau: đá từng bị “ngâm” trong dung dịch nước biển hàng triệu năm sau đó trồi lên tiếp xúc trực tiếp với không khí có cách ứng xử trước tác động lý hóa của môi trường (như thời tiết, khí hậu) khác với đất đá chưa bao giờ bị “ngâm”. Quả thực, giờ đây ở rất nhiều hòn đá tròn Kazakhstan vẫn diễn ra hiện tượng bóc vỏ, chẳng khác gì người ta lột vỏ củ hành. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khối đá nhỏ không còn có thể “bóc” thêm một lớp nào nữa.
Các nhà khoa học cho rằng đó chính là cái “nhân” đầu tiên hình thành nên khối đá to theo kiểu hòn tuyết trong nắm tay làm nên khối tuyết khổng lồ.