Những thất bại không thể đẩy con người chúng ta đến bước đường cùng, mà chính con người chúng ta mới tự đẩy mình đến đó khi từ bỏ mọi cố gắng – Khuyết danh
Ngày 8 tháng năm 995, nghệ sĩ violon Itzhak Perlman có buổi biểu diễn tại thính phòng Avery Fisher thuộc trung tâm Lincoln, thành phố New York. Do bị bại liệt từ nhỏ, Perlman phải chống nạng khập khiễng tiến tới chiếc ghế dành cho mình kê sẵn giữa sân khấu. Anh cẩn thận đặt nạng xuống sàn, tháo móc gài thanh chằng, từ từ để một chân về trước và co chân còn lại vào dưới ghế – nhanh gọn như đã thành thói quen. Rồi bằng một động tác nhẹ nhàng, anh nâng cây đàn lên, khẽ ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu. Nhưng khi Perlman chỉ mới dạo vài nốt nhạc thì sự cố xảy ra.
Một sợi dây đàn bị đứt, tạo nên âm thanh khô khốc dội khắp khán phòng mênh mông, tĩnh lặng. Lập tức mọi người hiểu ngay sự việc và nghĩ hẳn buổi diễn sẽ chậm lại chút ít để thay dây đàn.
Nhưng Perlman đã khiến mọi người rất đỗi kinh ngạc. Anh vẫn giữ bình tĩnh, mắt khép lại và ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu lại lần nữa.
Dàn nhạc giao hưởng tiếp tục bản nhạc bỏ dở, và Perlman đáp lại bằng tiếng đàn say sưa, êm ái đến tuyệt vời – chỉ với cây đàn ba dây trong tay. Anh biểu diễn bằng tất cả tâm hồn mình, bằng lòng đam mê và ý chí mạnh mẽ. Trong suốt thời gian chơi bản nhạc ấy, anh đã phải liên tục tưởng tượng, rồi sáng tạo để bù lại sợi dây đàn bị đứt. Thật ra, rất ít nghệ sĩ có thể chơi tốt nhạc phẩm ấy với cây đàn bốn dây bình thường, nhưng Perlman đã xuất sắc biểu diễn chỉ với ba dây bằng sự tài hoa tuyệt vời của mình.
Tiếng nhạc đã kết thúc từ lâu nhưng khán giả vẫn chưa hết sững sờ.
Khoảnh khắc lặng im tưởng như bất tận. Bỗng một người nào đó đứng lên, khiến cả khán phòng như bừng tỉnh. Tất cả mọi người đều đứng dậy, nhiệt liệt hoan nghênh. Tiếng vỗ tay vang lên khắp các hàng ghế đã ghi nhận tài năng và ý chí kiên cường của người nghệ sĩ tài hoa. Perlman mỉm cười, khẽ đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Rồi anh ra hiệu xin mọi người lặng im và nói bằng một giọng trầm ấm:
– Kính thưa quý vị, đôi khi người nghệ sĩ phải tự mình tạo nên khúc biến tấu chỉ với những gì còn lại trong tay.
Hẳn với Perlman, câu nói ấy còn mang một ý nghĩa khác nữa. Chứng bại liệt đã cưóp đi phần nào khả năng đi lại của anh, hơn thê nó đã có lúc khiến đôi tay anh tưởng chừng không thể cử động bình thường được. Nhưng anh vẫn tiếp tục. Sự cố hôm nay đã nói lên rất rõ niềm tin và nguyên tắc sống của anh: luôn tiến lên với những gì mình có được, dù không trn vẹn.
Nguyên tắc ấy liệu có thể áp dụng trong cuộc sống mỗi người chúng ta không? Mỗi khi gặp khó khăn hay bất lợi, chúng ta sẽ ứng biến thế nào? Hay là ngại ngần lùi bước?
Tôi tin rằng cuộc sống luôn cần đến bản nhạc của mỗi cá nhân. Mọi người sẽ hoan nghênh và trân trọng sự nỗ lực của ta nhiều hơn nếu bản nhạc ấy được tấu lên bằng một ý chí dũng cảm, không đầu hàng số phận. Hãy tự hỏi xem, với những gì có trong tay, bạn có thể tạo nên khúc nhạc của riêng mình hay không?