1. Cả thân và tâm đều là những thứ do duyên tạo thành, do đó nơi thân này không có thực thể. Thân này là sự tập hợp của nhân duyên. Do đó, thân này là vô thường.
Nếu thân này mà có thật thể thì chúng ta muốn nó thế nào nó sẽ thành như thế ấy.
Vị vua của một quốc gia, có thể ra hình phạt đối với những điều đáng phạt, thưởng những điều đáng thưởng. Có thể làm được những điều vị ấy muốn. Tuy nhiên, dù không muốn bệnh cũng bị bệnh, không mong già cũng phải già, về thân thể này, chẳng mấy như ý muốn.
Cũng thế, tâm con người cũng không có thật thể. Tâm cũng là sự nhóm họp của chư duyên, là thứ luôn luôn thay đổi.
Nếu tâm mà có thật thể thì chúng ta muốn thế nào sẽ được như thế ấy. Nhưng dù tâm không muốn mà vẫn nghĩ điều ác, dù không mong mà cứ xa rời điều lành, chẳng mấy như ý.
2. Thân này vĩnh viễn không thay đổi hay sao? hay cũng là vật vô thường? nếu chúng ta đặt câu hỏi như thế thì chắc chắn ai cũng trả lời, đó là vật vô thường.
Nếu hỏi vật vô thường là khổ hay là vui, thì chắc chắn ai cũng trả lời, phàm đã được sinh ra thì ai cũng phải đến lúc già, bệnh, chết và đau ốm, nên ai cũng phải khổ.
Nếu nghĩ rằng, vô thường, biến đổi, khổ đau là thật thể, là ngã của chúng ta, nghĩ như thế là sai lầm.
Tâm cũng thế, cũng vô thường, khổ đau, không phải thật thể.
Như thế, thân và tâm hình thành nên chúng ta và những thứ liên quan chung quanh đều xa rời khái niệm “tôi” và “của tôi”.
Chỉ vì không có trí tuệ nên chấp có cái tôi và cái của tôi.
Vì thân này và cả những thứ chung quanh cũng đều là thứ do duyên mà sanh, luôn thay đổi không hề ngừng nghỉ.
Nó thay đổi như dòng nước đang chảy, như ngọn nến đang cháy. Và tâm lúc nào cũng dao động như khỉ vượn, không khi nào yên tĩnh.
Người có trí tuệ thì sẽ nhìn như thế, nghe như thế, phải vứt bỏ sự chấp trước đối với thân và tâm. Khi lìa khỏi chấp trước đối với cả thân và tâm thì có thể đạt được giác ngộ. 3. Trên thế gian này có năm điều không ai làm được.
Một là làm cho không già khi đang già, hai là làm cho không bệnh khi đang bệnh, ba là làm cho không chết khi phải chết, bốn là làm cho không diệt khi vật phải diệt mất, năm là làm cho đừng đến sự cùng kiệt khi phải đến sự cùng kiệt.
Người bình thường thì gặp những điều khó tránh này sẽ khổ đau sầu não, nhưng người có học Phật pháp rồi thì vì biết đấy là những điều không thể tránh khỏi nên không ôm mối sầu khổ như thế.
Lại nữa, trên thế gian này có bốn sự thật. Một là tất cả chúng sanh đều được sinh ra từ vô minh. Hai là những đối tượng của dục vọng đều vô thường, khổ đau và luôn luôn thay đổi. Ba là tất cả mọi tồn tại cũng đều là vô thường, khổ đau và luôn luôn thay đổi. Bốn là cái tôi và cái của tôi không thật sự tồn tại.
Tất cả sự vật đều là vô thường, đều thay đổi, không có vật gì là ngã. Cho dù đức Phật có xuất hiện trên thế gian này hay không thì điều này vốn đã là đạo lý từ muôn đời. Đức Phật biết điều này, chứng ngộ điều này và chỉ dạy cho con người.