1. Bản tâm thanh tịnh, nói khác đó là Phật tánh. Phật tánh có nghĩa là hạt giống Phật.
Nếu dùng kính hướng về phía mặt trời và chiếu vào đống lá khô thì sẽ ra lửa, vậy lửa ấy do đâu mà có? Mặt trời và lăng kính cách xa nhau không thể hợp nhất với nhau, nhưng chắc chắn lửa của mặt trời nhờ duyên của lăng kính mà hiện lên trên lá khô. Và nếu cho dù có mặt trời mà không có chất cháy nơi lá khô thì lửa cũng không xảy ra nơi đống lá khô.
Bây giờ, Phật tánh được ví như lá khô, vốn dĩ có thể sinh ra Phật, nếu chiếu lăng kính là trí tuệ của Phật vào thì sẽ có ngọn lửa là Phật. Ấy là ngọn lửa đức tin khai mở Phật tánh, cháy bùng trên đống lá khô là chúng sanh.
Đức Phật dùng lăng kính trí tuệ ấy chiếu vào thế gian này và rồi thế gian này được thắp sáng với ngọn lửa lòng tin. 2. Con người vì quay lưng với cái Phật tánh giác ngộ vốn có này, rồi bị vướng vào bụi trần phiền não, tâm trói buộc vào những tướng trạng thiện ác của sự vật, rồi ta thán là bất tự do.
Vì sao con người đã có sẵn tâm giác ngộ vốn có mà vẫn sinh ra sai lầm, che mất ánh sáng Phật tánh, lênh đênh trong thế giới mê mờ như thế?
Có chuyện kể ngày xưa có một anh thanh niên, vào một buổi sáng, khi nhìn vào gương đã kinh ngạc vì không thấy mặt và đầu của mình. Tuy nhiên, không phải đầu và mặt của anh ta mất mà chỉ vì anh ta nhìn vào mặt sau của gương! nên mới thấy như vậy.
Nỗi khổ vì muốn đạt được sự giác ngộ mà không đạt được là ngu si và cũng không cần thiết. Trong giác ngộ không có mê lầm, sai lầm ở nơi con người, đã tìm sự giác ngộ nơi cái tâm phân biệt, họ không biết rằng đó là vọng tâm chứ không phải chân tâm. Vọng tâm ấy là tâm bị xao động bởi bụi trần tham si bên ngoài che mất tâm chân thật.
Cho nên, nếu từ bỏ vọng tưởng thì giác ngộ sẽ tự quay về, và sẽ hiểu ra rằng giác ngộ không phải là cái bên ngoài vọng tưởng. Điều bất tư nghì ở đây là, khi người ta ngộ đạo, thì thấy rằng không có vọng tưởng cũng không có cái được giác ngộ.
3. Phật tánh này không cùng tận. Cho dù sinh ra làm súc sinh, chịu cái khổ ngạ quỷ, hay bị rơi vào địa ngục thì Phật tánh này cũng không tuyệt mất.
Cho dù trong thân ô uế, cho dù dưới đáy tận cùng của phiền não nhiễm ô, hay hoàn toàn bị lãng quên, mối liên hệ của con người với Phật tánh cũng không bao giờ mất. 4. Có câu chuyện rằng, ngày xưa có một người đến nhà bạn chơi. Trong khi say rượu và ngủ thiếp đi thì người bạn có chuyện cần gấp phải đi ngay. Người bạn ấy vì nghĩ đến tương lai của người này, liền khâu vào tà áo của người ấy một viên bảo ngọc quý giá.
Kẻ say rượu này không hề biết điều đó. Khi tỉnh dậy anh ta đi qua nước khác, lao nhọc để có đồ ăn cái mặc. Sau đó, có lần may mắn gặp lại người bạn cũ nọ, được người bạn ấy chỉ rằng, hãy dùng viên ngọc khâu sẵn nơi áo anh.
Cũng giống như câu chuyện này, bảo ngọc tức là Phật tánh, bị che đậy trong tà áo phiền não tham sân, nhưng Phật tánh ấy không bị nhiễm ô, vẫn sáng sạch và vô giá.
Cũng vậy, bất cứ ai cũng có sẵn trí tuệ Phật. Đức Phật nhìn thấy điều đó và tin rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn công đức và trí tuệ Phật.
Thế nhưng con người vì bị ngu si che lấp, nhìn vấn đề ngược lại, vì không nhìn thấy Phật tánh của chính mình, Phật dạy cho con người xa lìa vọng tưởng, và cho con người biết rằng, vốn dĩ, họ không khác với Phật. 5. Ở đây, nói đến Phật là Phật đã thành, con người là Phật sẽ thành trong tương lai, ngoài ra không có gì sai khác.
Tuy nhiên, cho dù là Phật sẽ thành, nhưng vì chưa thành Phật nên nếu nghĩ rằng mình đã thành đạo thì phạm phải sai lầm lớn.
Cho dù có Phật tánh nhưng nếu không tu thì nó sẽ không hiển bày, nếu nó không hiển bày thì hoàn toàn không có chuyện là đã thành đạo.
6. Chuyện kể, ngày xưa có một vị vua, tập họp nhiều người mù lại và cho sờ một con voi, rồi bảo những người mù này mỗi người hãy kể về con voi ấy như thế nào. Người sờ vào ngà voi thì nói con voi như củ cà-rốt lớn, người sờ vào tai voi thì nói voi như cái quạt, người sờ vào mũi voi thì nói voi như cái chày, người sờ vào chân voi thì nói voi giống như cái cối giã, người sờ vào cái đuôi thì nói voi như sợi dây thừng. Không ai có thể biết về một con voi hoàn chỉnh.
Cái thấy của con người cũng như thế, dù cho có thể mô tả một phần về bản chất của con người, nhưng không thể mô tả đúng về bản chất chân thực của con người, tức là Phật tánh.
Muốn tìm thấy Phật tánh bất sanh bất diệt, dù chết cũng không mất, dù trong phiền não cũng không nhiễm ô, thì chỉ có cách là nương tựa vào Phật và giáo pháp của ngài.