1. Tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều do duyên mà hiện thành, vì thế vốn không có sai biệt, sai biệt nếu có là do thiên kiến của con người.
Vũ trụ không có sự phân biệt đông tây, nhưng con người đã đặt ra đông tây và chấp trước đấy là đông, đấy là tây.
Số tự vốn bắt đầu từ số 1 đến số vô hạn, mỗi mỗi là những con số hoàn chỉnh, không có sự phân biệt về lượng nhiều hay ít, nhưng con người vì thuận tiện cho mình mà phân biệt ít nhiều.
Vốn dĩ, nếu không có sinh thì cũng không có diệt, tuy nhiên do vì thiên kiến của con người mà nhìn thấy sự sai biệt về sinh và diệt, lại nữa, hành vi của con người tự nó không có thiện cũng không có ác mà nhìn thấy có hai mặt thiện ác là do thiên kiến của con người.
Đức Phật rời xa khỏi thiên kiến này, cõi đời này như mây trôi giữa không trung, như huyễn hoá, ngài nhìn thấy bất cứ thứ gì mà tâm lấy hay bỏ cũng đều là hư giả. Ngài đã xa lìa tâm toan tính và phân biệt.
2. Con người vì có tâm toan tính, chấp trước vào sự vật.
Chấp vào phú quý, chấp vào tài vật, chấp vào danh dự, chấp vào sinh mạng.
Do chấp vào các thứ hữu-vô, thiện-ác, chánh-tà, mà dẫn đến phiền não khổ đau sai lầm chồng chất.
Có câu chuyện rằng, có một người du hành chuyến xa, nhìn thấy một con sông lớn, anh ta nghĩ, “bờ bên này của con sông này đầy nguy hiểm, nhưng bên bờ kia thì có vẻ an ổn hơn”. Thế rồi anh ta làm một chiếc bè, nhờ chiếc bè ấy anh đã qua được bên kia sông một cách an toàn. Thế rồi anh ta nghĩ, “chiếc bè này đã đưa ta qua bờ sông bên này một cách an toàn, là chiếc bè rất hữu ích. Do đó, ta không nên vứt nó, nên vác nó trên vai mà đi”.
Lúc này, chúng ta có thể nói người này đang làm những gì cần làm đối với chiếc bè không? hoàn toàn không.
Ví dụ này muốn nói rằng, ngay cả những điều đúng cũng không nên chấp lấy nó mà phải quăng bỏ nó khi cần phải quăng bỏ. Điều đúng mà cũng cần quăng bỏ huống gì là điều không đúng.
3. Mọi sự vật không đến không đi, không sinh không diệt, nên cũng không có gì là được cũng không có gì là mất.
Đức Phật dạy: Tất cả sự vật không phải có cũng không phải không, vì chúng vượt khỏi phạm trù tồn tại hay không tồn tại. Nên không hữu, không vô, không sanh, không diệt. Tức là sự vật do nhân duyên mà thành, bổn tính của sự vật tự nó không có thực tính nên nói là không có, vì do nhân duyên mà thành, cũng không phải không, nên nói là không không.
Nhìn thấy hình tướng của sự vật rồi chấp vào đó là nguyên nhân dẫn đến tâm sai lầm. Nhưng nếu nhìn thấy nó mà không chấp lấy nó, thì không khởi lên toan tính. Giác ngộ chính là nhìn thấy đạo lý chân thật này và xa rời khỏi tâm toan tính.
Thế gian này thật như giấc mộng, tài sản bảo vật cũng là những vật như huyễn hoá. Cũng giống như khoảng cách rõ ràng trong một bức tranh, mọi thứ tự thân nó không có thực thể, chỉ như là quáng nắng.
4. Sự vật được xuất hiện là do vô số nhân duyên, nếu tin rằng nó tồn tại mãi như thế thì đó là quan điểm sai lầm, gọi là thường kiến. Và nếu tin rằng nó hoàn toàn không tồn tại thì đó cũng là quan điểm sai lầm, gọi là đoạn kiến.
Những đoạn, thường, hữu, vô này thật ra không phải là hình tướng chân thật của sự vật, mà đó là những hình tướng thấy được do chấp trước của con người. Sự vật vốn dĩ xa rời khỏi những hình tướng chấp trước này.
Tất cả sự vật đều do duyên mà sinh nên đều thay đổi, vì không có thật thể. Không phải là thứ vĩnh viễn bất biến như thể là có thật thể. Vì luôn thay đổi, như huyễn hoá, như giấc mộng. Tuy nhiên đồng thời sự thay đổi đó cũng là sự thật, vĩnh cữu bất biến.
Đối với con người nhìn thấy con sông là sông, nhưng đối với ngạ quỷ thì nhìn thấy nước sông là lửa, nên không thể nhìn thấy đó là sông. Do đó, về con sông ấy, đối với ngạ quỷ thì không thể nói là có, đối với con người thì không thể nói là không.
Cũng vậy, không thể nói tất cả sự vật đều là có, cũng không thể nói là không có, chúng như huyễn hoá vậy.
Tuy nhiên, rời bỏ thế gian hư ảo này thì cũng không có thế giới chân thực, cũng không có thế giới vĩnh viễn bất biến.
Do đó, xem thế gian này là giả cũng sai, là thật cũng sai.
Người phàm cho rằng thế gian này là thật có, và hành động theo kiến giải ấy. Nhưng vì thế giới này vốn chỉ là ảo ảnh, hành vi của họ dựa trên sai lầm, nên rốt cục dẫn họ đến tổn thất và khổ đau.
Người có trí huệ giác ngộ được đạo lý này, vì thấy huyễn hoá là huyễn hoá nên không rơi vào sai lầm trên.