Tâm và Trạng Thái Vốn Có Của Sự Vật – Con Đường Trung Đạo

1. Những người tu hành đạo giác ngộ cần phải tránh xa hai cách sống cực đoan. Một là đời sống bị nhấn chìm trong dục vọng, chịu thua dục vọng. Hai là đời sống khổ hạnh, tự hành hạ thân tâm mình một cách vô ích.

Tránh xa hai lối sống cực đoan này thì tuệ nhãn được khai mở, trí tuệ tăng tiến, có đời sống trung đạo dẫn đến giác ngộ.

Đời sống trung đạo ấy là gì? Đó là bát chánh đạo, gồm có: cách nhìn đúng (chánh tri kiến), tư duy đúng (chánh tư duy), nói năng chuẩn mực (chánh ngữ), hành động đúng (chánh nghiệp), sinh hoạt đúng (chánh mạng), tinh tấn nỗ lực đúng (chánh tinh tấn), nghĩ nhớ đúng (chánh niệm) và thiền định đúng (chánh định).

Vì tất cả sự vật sanh diệt do chuỗi nhân duyên vô cùng.

Người phàm phu hoặc nhìn thấy có, hoặc nhìn thấy không.

Nhưng cái nhìn của người có trí thì sẽ lìa khỏi có không.

Đấy là cái nhìn đúng đắn của trung đạo. 2. Một khúc cây trôi trên dòng sông, nếu khúc cây đó không dạt vào hai bên bờ, không chìm ở giữa dòng, không dạt lên trên bờ, không bị người vớt lên, không bị cuốn vào con xoáy, không bị hủ mục từ bên trong thì khúc cây đó sẽ trôi ra biển rộng.

Cũng giống như khúc cây trên, người tu hành đạo giác ngộ nếu không bị vướng vào bên trong bên ngoài, không vướng vào có không, không vướng vào tà chánh, xa lìa mê lầm, không câu nệ chấp trước, đặt mình ở giữa dòng, ấy là quan điểm trung đạo, đời sống trung đạo.

Điều quan trọng đối với đời sống tu hành là đừng để vướng vào hai cực đoan này và phải thường xuyên bước trên con đường trung đạo.

Nếu biết rằng tất cả sự vật vốn không sanh mà cũng không diệt, chúng vốn là thứ không có bản chất cố định, thì không bị vướng mắc, cũng không vướng vào điều thiện mình làm, không bị sự vật trói buộc.

Không bị trói buộc có nghĩa là không nắm giữ, không chấp trước. Người tu hành đạo giác ngộ không sợ tử cũng không cầu sanh, không chạy theo kiến giải này kiến giải nọ.

Khi con người khởi tâm chấp trước, thì ngay khi ấy bắt đầu đời sống mê lầm. Do đó, người bước trên con đường tỉnh thức sẽ sống cuộc sống không nắm giữ, không chấp trước, không vướng mắc, không chấp nê. 3. Vì sự giác ngộ thì không có hình dáng hay vật thể nhất định, nên sự giác ngộ tự nó không có cái gì được giác ngộ.

Vì có mê lầm cho nên nói đến giác ngộ, nếu không có mê lầm thì giác ngộ cũng không. Lìa khỏi mê thì giác cũng không, lìa khỏi giác thì mê cũng không.

Do đó, việc có sự giác ngộ thành ra là chướng ngại. Do vì có bóng tối nên có chuyện chiếu sáng, nếu không có bóng tối thì việc chiếu sáng cũng không. Việc chiếu sáng và cái được chiếu sáng cũng không còn.

Người tu hành đạo giác ngộ khi đã giác ngộ rồi sẽ không vướng vào sự giác ngộ ấy. Bởi vì việc phân biệt có sự giác ngộ thì lại thành ra là mê lầm.

Nếu đến được cảnh giới ấy thì tất cả mê lầm cứ thế là sự giác ngộ. Bóng tối cứ thế là ánh sáng. Và phiền não cứ thế là bồ-đề.

4. Mọi sự vật đều bình đẳng, không có sai biệt, đó gọi là không. Bản chất của sự vật là không có thật thể, không sanh cũng không diệt. Điều này do vì không thể diễn đạt bằng ngôn từ nên nói là không.

Tất cả sự vật do sự liên hệ hỗ tương mà thành, nương vào nhau mà tồn tại, không phải tự mình hình thành nên.

Cũng giống như hình với bóng, ngắn với dài, trắng với đen, bản chất của sự vật không phải tự mình mà có thể tồn tại, nên nói là vô tự tánh.

Lại nữa, nếu không có mê lầm sẽ không có giác ngộ, ngoài giác ngộ sẽ không có mê lầm. Hai điều này không phải là thứ khác xa nhau, không phải là hai thứ tương phản nhau. 5. Con người thường có thói quen nghĩ rằng sự vật thì có sanh có tử, nhưng thật ra vốn không có sanh cũng không có tử.

Khi con người có thể nhìn thấy được sự thật này thì họ có thể chứng ngộ được chân lý biết sanh tử không phải hai.

Vì con người cho rằng có cái tôi nên chấp vào cái của tôi, nhưng vốn dĩ không có cái tôi nên chắc chắn cũng không có cái của tôi. Khi biết không có cái tôi và cái của tôi thì chứng được chân lý vô sai biệt.

Con người cho rằng có thanh tịnh và nhiễm ô nên vướng vào hai điều này. Tuy nhiên, vốn dĩ sự vật không thanh tịnh cũng không nhiễm ô, cả thanh tịnh và nhiễm ô chẳng qua đều là thứ được tạo thành do dụng tâm của con người.

Con người cho rằng thiện và ác vốn là những thứ khác biệt nhau nên vướng vào thiện ác. Tuy nhiên, không có cái thiện riêng rẽ, cũng không có cái ác riêng rẽ. Người đã bước vào con đường giác ngộ biết rằng thiện ác này vốn không phải là thứ khác biệt nên chứng được chân lý ấy.

Con người vì lo sợ bất hạnh nên cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, với trí tuệ chân thật mà nhìn hai điều này thì sẽ biết chính sự bất hạnh là hạnh phúc và hạnh phúc là bất hạnh. Người có trí tuệ biết đối diện cuộc đời vô thường bằng tâm thái bình đẳng, không phấn khởi vì thành công cũng không chán nản vì thất bại. Như thế là người chứng được chân lý vô sai biệt.
Do đó, dù có nói là hữu hay vô, mê hay giác, thật hay bất thật, chánh hay tà, nhưng thật ra về mặt bản chất không có những khái niệm tương phản như thế. Khi con người có thể xa lìa khỏi những phạm trù này thì có thể chứng được cái không (śūnyatā) chân thật.

6. Ví như hoa sen không thể sống được nơi đất liền hay cao nguyên sạch sẽ mà chỉ nở trong bùn lầy ô nhiễm, cũng thế, không có chuyện lìa khỏi mê mà có giác ngộ, hạt giống Phật được sinh ra từ nơi mê vọng và kiến giải sai lầm.

Nếu không dấn thân vào mọi hiểm nguy, lặn xuống đáy biển thì không thể lấy được ngọc quý vô giá. Cũng vậy, nếu không vào biển lầy mê vọng thì không thể được viên ngọc giác ngộ. Người cầu đạo giác ngộ trước tiên bị lạc vào ngọn núi của bản ngã và sự vị kỷ trước khi vị ấy nhận ra và mong muốn tìm thấy con đường dẫn vị ấy đi đến giác ngộ.

Có câu chuyện, có vị tiên nhân vì lòng quyết cầu đạo, leo lên núi dao mà không bị thương, gieo thân mình vào lửa dữ mà không bị cháy, lại còn cảm thấy mát mẽ. Nếu có lòng cầu đạo, sẵn sàng mạo hiểm, thì sẽ tìm thấy ngọn gió mát, dù trên núi dao với danh dự lợi dục, hay trong lửa dữ sân hận, và cuối cùng vị ấy cũng sẽ cảm nhận được có ngọn gió của sự giác ngộ thổi qua.

7. Lời Phật dạy dẫn con người đến chân lý vô phân biệt, rời xa hai thành kiến cực đoan. Tuy nhiên, nếu chấp trước mà chọn lấy một trong hai cực đoan thì cho dù đó là thiện, là chánh đi nữa cũng là điều sai lầm.

Nếu con người khăng khăng nghĩ rằng tất cả sự vật đều là không, là vô thường biến đổi, thì đó cũng là bị rơi vào tư duy sai lầm. Và nếu khăng khăng nghĩ rằng tất cả sự vật không có sự thay đổi thì điều này lại càng là tư duy sai lầm.

Lại nữa, nếu con người chấp rằng có cái ngã, đấy là tư duy sai lầm, nên không thể lìa khỏi khổ đau. Nếu con người chấp là không có cái ngã, đấy cũng là tư duy sai lầm, nên dù có tu hành cũng không có hiệu quả. Và lại nữa, nếu chấp rằng tất cả sự vật chỉ là khổ đau, đây cũng là tư duy sai lầm.

Và nếu cho rằng tất cả sự vật toàn là điều vui sướng thì đây cũng là tư duy sai lầm. Lời Phật dạy là trung đạo, lìa xa những cặp phạm trù này.

Viết một bình luận