Lời dạy của Đức Phật: Phật Tánh – Tâm Thanh Tịnh

1. Con người có nhiều loại. Có người trí tuệ, có người ngu muội. Có người tốt tính, có người xấu tính. Có người dễ độ, có người khó độ.

Cũng giống như ao sen có đủ chủng loại màu sắc xanh đỏ vàng trắng. Sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, cũng có hoa không vượt lên mặt nước, có hoa lên đến mặt nước, có hoa cao hơn mặt nước, có hoa không còn bị ướt bởi nước.

Con người cũng có nhiều sai biệt. Có sự sai biệt về giới tính nam nữ, nhưng không phải sai biệt về mặt bản chất.

Bởi vì, nếu tu hành, trải qua những tiến trình tâm cần thiết, thì cả nam và nữ đều cũng có thể đạt đến giác ngộ.

Trong việc học cách điều phục voi, phải có niềm tin, sức khoẻ, siêng năng, không dối trá và trên hết là phải có trí tuệ.

Việc theo Phật để được đạo giác ngộ cũng thế, quả là cần phải có năm điều này. Nếu có năm điều ấy thì dù nam hay nữ, không cần nhiều thời gian để học lời Phật dạy. Bởi vì người như thế là đều có đầy đủ những tánh chất cần thiết để giác ngộ.

2. Trên con đường giác ngộ, con người nhìn thấy đức Phật bằng con mắt của riêng mình, tin Phật bằng cái tâm của riêng mình. Cũng vậy, chính con mắt ấy, cái tâm ấy của con người đem con người lưu chuyển trong mọi nẻo đường sanh tử cho đến hôm nay.

Như một vị vua khi muốn dẹp giặc xâm phạm bờ cõi thì trước hết điều quan trọng là phải biết bọn giặc ấy đang ở đâu. Muốn sạch hết mê lầm cũng thế, trước hết cần phải xác định nhãn quan ấy, cái tâm ấy ở đâu.

Người ở trong gian phòng, nếu mở mắt ra thì trước tiên sẽ nhìn thấy đồ đạc trong gian phòng, rồi qua cửa sổ, nhìn thấy quang cảnh bên ngoài. Không có chuyện không nhìn thấy đồ đạc trong phòng mà chỉ có thể nhìn thấy những vật bên ngoài.

Thế nhưng đáng lẽ ra, nếu nơi thân có tâm thì trước tiên đương nhiên phải biết chi tiết về nội thân, nhưng con người thường chỉ biết những thứ bên ngoài thân mà hầu như không biết gì về nội thân.

Lại nữa, giả như tâm ở ngoài thân thì tâm và thân cách rời nhau, cái tâm biết thì thân không biết, cái thân biết thì tâm không biết. Nhưng thật ra cái tâm biết thì thân cảm nhận được, cái thân cảm nhận được thì tâm biết rõ. Do đó, không thể có chuyện là thân ở ngoài tâm.

Thế thì, rốt cuộc về bản chất, tâm ở đâu? 3. Vốn dĩ từ vô thỉ xa xưa, chúng sanh bị trói buộc bởi nghiệp và phiền não. Lầm lỗi chồng chất do không biết nguồn gốc của hai điều sau đây.

Thứ nhất là, lầm tưởng cho rằng tâm mê mờ – nguồn gốc của sanh tử là bổn tính của mình. Thứ hai là, không hiểu được rằng tâm thanh tịnh vốn là bản chất của giác ngộ, là cái có sẵn trong tự thân, nó tiềm ẩn đằng sau tâm mê mờ.

Khi một người nắm chặt tay lại rồi giơ lên, mắt nhìn vào đó và tâm phân tích về nó. Tuy nhiên tâm phân tích ấy không phải là tâm chân thật.

Tâm toan tính khởi lên từ dục tham, đó là tâm toan tính đến điều kiện của mình, là tâm sinh khởi do có nhân duyên, không phải là bản tâm, là tâm thay đổi vô thường. Nhưng con người cho rằng tâm ấy là tâm chân thật, và thế là mê lầm sanh khởi.

Kế đến, người đó xoè bàn tay ra, tâm biết rằng bàn tay đã xoè ra. Động tác đó là tay hay là tâm hay không phải cả hai.

Khi tay cử động tâm cũng cử động, và khi tâm cử động thì tay cũng cử động. Tuy nhiên cái tâm cử động ấy là bề nổi bên ngoài của tâm chứ không phải là tâm căn bản chân thật. 4. Tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh. Nó bị che mất bởi bụi trần mê mờ do những nhân duyên bên ngoài. Nhưng tâm mê mờ ấy là khách chứ không phải là chủ.

Ánh trăng đôi khi bị mây che, nhưng mây không thể làm bẩn trăng, và cũng không thể làm xao động trăng.

Do đó, con người không nên nghĩ rằng bản tánh của mình là tâm mê mờ như bụi trần phiêu bạt.

Con người cần phải quay về với cái chân thực của mình, nhìn thấy được bản tâm giác ngộ không lay động, không nhiễm ô. Con người bị lôi kéo bởi tâm mê lầm phiêu bạt, bị thúc đẩy bởi những tri kiến trái chiều nên phải lênh đênh nơi bờ mê.

Tâm mê lầm và ô nhiễm của con người là cái được khởi lên do lòng dục và mối tương tác của nó với ngoại duyên vốn luôn biến đổi.

Duyên ấy dù đến dù đi cũng không liên quan, cái tâm vĩnh viễn bất diệt không thay đổi, tâm đó là bản tâm của con người, cũng gọi là chủ.

Cũng giống như không thể nói vì khách đi rồi nên không có cái phòng, không thể nói vì cái tâm toan tính sanh diệt do duyên mất rồi thì không còn cả chính mình. Dụng tâm toan tính đổi thay do duyên ấy không phải là bổn tâm. 5. Ở đây có một giảng đường, khi mặt trời lên thì nó sáng, khi mặt trời lặn thì nó tối. Giả sử như trả ánh sáng lại cho thái dương, trả bóng tối lại cho màn đêm. Nhưng năng lực để biết về ánh sáng và bóng tối ấy thì không thể trả về đâu được. Đó là bổn tâm, chỉ còn cách trở về bổn tâm.

Việc thấy ánh sáng khi mặt trời xuất hiện chẳng qua chỉ là tâm nhất thời, và việc thấy bóng tối khi mặt trời lặn cũng là tâm nhất thời.

Như thế, tâm biết được sáng tối do được dẫn dắt bởi ngoại duyên sáng tối, nhưng tâm biết được sáng tối ấy là tâm nhất thời chứ không phải bổn tâm, cái căn bản của năng lực biết sáng tối ấy là tâm căn bản.

Những ý nghĩ yêu ghét, thiện ác sanh rồi diệt do ngoại duyên, là tâm nhất thời khởi lên do những nhiễm ô được tích tàng trong tâm con người.

Dù bị bao bọc bởi bụi trần phiền não nhưng vẫn có cái tâm không bị tạp nhiễm, không bị vấy bẩn, vốn dĩ thanh tịnh như tự bao giờ.

Nước đựng trong vật chứa có hình tròn thì nước ấy tròn, đựng trong bình vuông thì có hình vuông. Nhưng vốn dĩ không phải nước ấy có hình tròn hay hình vuông. Tuy nhiên hầu hết mọi người quên mất điều này và bị vướng vào hình thù của nước.

Con người nhìn thấy điều thiện điều ác, nghĩ đến điều thích hay không thích, cho rằng có hay không có, bị chi phối bởi những điều như thế, bị trói buộc bởi những quan điểm như thế, rong ruổi theo những thứ bên ngoài và rồi chuốc lấy khổ đau.

Nếu trả lại cho ngoại duyên những quan điểm bị trói buộc, quay trở về bổn tánh không bị trói buộc của mình thì cả thân và tâm đều không bị chướng ngại vì bất cứ gì, có thể đạt đến cảnh giới tự do giải thoát.

Viết một bình luận