1. Nói đến việc rằng con người có Phật tánh, có thể có giáo lý dạy rằng Phật tánh ấy cũng giống như bản ngã, nhưng như thế là sai lầm.
Khái niệm về ngã là do tâm chấp trước nghĩ ra, nhưng đối với người giác ngộ thì ngã là cái chấp trước cần phải bị phủ định, Phật tánh là viên ngọc cần phải được khai mở. Phật tánh có nơi ngã nhưng đó không phải là trường hợp “có tôi” hay “cái của tôi”.
Ý nghĩ rằng có ngã là coi cái không có là có, ấy là cái hiểu biết sai lầm; không công nhận Phật tánh, tức coi cái có là không có, ấy cũng là hiểu biết sai lầm.
Điều này có thể giải thích bằng một ví dụ. Ví như có người mẹ đem đứa con bị bệnh của mình đến bác sĩ, vị bác sĩ cho thuốc và dặn không nên cho con bú cho đến khi dùng hết thuốc.
Người mẹ bèn bôi chất đắng vào vú làm cho đứa trẻ không đòi bú nữa. Sau đó đến khi thuốc hết, người mẹ rửa sạch chất đắng ở vú mình và cho con bú. Hành động này của người mẹ là vì lòng thương yêu con bà.
Tương tự như thế, đức Phật vì muốn dẹp bỏ cái hiểu sai lầm, dẹp bỏ chấp ngã cho chúng sanh nên nói là không có ngã, và khi đã dẹp được cái hiểu sai lầm ấy rồi thì lại nói có Phật tánh.
Ngã là cái dẫn đến mê lầm, Phật tánh là thứ dẫn đến giác ngộ.
Chuyện kể có người phụ nữ, trong nhà có hũ vàng mà không hay biết, sống bần khốn mãi cho đến một ngày có người đào hũ vàng ấy ra và đưa vàng cho bà. Cũng như chuyện này, đức Phật đã khai mở và chỉ Phật tánh cho chúng sanh.
2. Nếu thế, vì sao con người đã có sẵn Phật tánh mà lại có sự phân biệt quý tiện, giàu nghèo? sao có chuyện đau lòng như giết hại lẫn nhau, dối trá lẫn nhau?
Cũng như có một lực sĩ làm việc trong cung đình, anh ta hay đeo một viên kim cương trước trán. Có lần khi đánh vật thì viên kim cương này dập vào trán và bị đính sâu trong da trán. Người lực sĩ này tưởng mất viên kim cương rồi.
Nhưng khi đến nhờ bác sĩ trị vết thương, bác sĩ nhìn qua biết vết thương ấy là do viên kim cương đính vào trong da, liền lấy ra cho vị lực sĩ ấy.
Phật tánh của chúng sanh cũng bị che lấp trong bụi trần phiền não nên không thể nhìn thấy, nhưng nhờ vị bác sĩ giỏi là đức Phật mà tìm thấy được trở lại.
Như thế, cho dù có Phật tánh nhưng vì nó bị che đậy bởi tham, sân, si, bị trói buộc bởi nghiệp và quả báo nên con người phải thọ nhận những nghịch cảnh khác nhau. Nhưng thực tế Phật tánh không bị mất, cũng không bị phá hoại, nếu loại bỏ được mê lầm thì sẽ tìm thấy lại được.
Cũng như vị lực sĩ trong ví dụ trên tìm thấy viên ngọc nhờ vị bác sĩ lấy ra cho, chúng sanh cũng sẽ thấy được Phật tánh nhờ ánh hào quang của Phật.
3. Cũng giống như bò cái, dù có loại lông trắng, lông đen, lông đỏ khác nhau nhưng nếu vắt sữa thì sẽ có một màu trắng như nhau, Phật tánh cũng vậy, cho dù trong nghịch cảnh khác nhau, sinh hoạt khác nhau nhưng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau.
Ví như trên núi Himalaya có loài thuốc quý, nhưng bị che khuất bởi lùm cỏ dày nên con người không thể tìm ra. Thuở ấy có một vị tiên tìm thấy mùi hương của nó, và biết chỗ thuốc ấy, ông làm một cái ống để đựng thuốc trong đó.
Nhưng sau khi vị tiên này mất đi thì thuốc ấy bị chôn vùi trong núi, bị thối đi trong ống ấy, tuỳ chỗ nước trong ống ấy đổ ra mà mùi vị của nó biến đổi hẳn.
Phật tánh cũng như ví dụ này, vì bị che khuất sâu trong lùm cỏ phiền não nên con người không dễ tìm thấy nó. Nay Phật đã khai mở lùm cỏ ấy và chỉ cho mọi người. Dù hương vị của Phật tánh là chỉ có một, nhưng do vì phiền não mà lưu xuất ra nhiều loại mùi vị, con người sống theo nhiều nếp sống khác nhau.
4. Phật tánh này bền chắc như đá kim cương, không thể phá hoại. Cho dù có thể dùi thủng sỏi cát đá nhưng không thể dùi thủng được đá kim cương. Cho dù thân tâm có thể bị phá huỷ nhưng Phật tính thì không thể phá huỷ được.
Phật tánh là đặc chất cao quý nhất của con người. Trong thế gian có đủ loại người khác nhau như nam tôn nữ ti, nhưng trong giáo pháp của Phật dạy, về Phật tánh thì tất cả chúng sanh không có sự sai biệt.
Nấu chảy quặng vàng thì những tạp chất sẽ trôi đi, và nếu luyện lên thì sẽ có được vàng ròng quý giá. Tâm như quặng vàng, nếu nấu chảy ra thì phiền não sẽ trôi đi, dù bất cứ ai Phật tánh thanh tịnh cũng bình đẳng hiển bày.