“Sức mạnh của một người đến từ chính những giá trị bên trong con người đó. ” – R. w. Clark
Tôi yêu nhất là đôi bàn tay mẹ. Từ bàn tay đó, mẹ đã làm cho tôi biết bao điều diệu kỳ Chiều chiều, tôi ngồi trên chiếc bàn bếp, say sưa với bức tranh của mình, còn mẹ thì loay hoay dọn dẹp, đôi tay thoăn thoắt.
Mẹ ơi, mẹ xem cánh đồng của con đi, con vẽ xong rồi!
– Thế à?
– Mẹ hào hứng.
– Con vẽ nhanh nhỉ, cho mẹ xem với nào!
Mẹ tôi không nhìn bằng mắt. Mẹ lấy tay và sờ thật kỹ vào mặt giấy, từng nét, từng nét một trong khi tôi thao thao “thuyết minh”. Mẹ sẽ xem tranh rất lâu và rất kỹ, còn tôi thì hồi hộp chờ lời nhận xét cuối cùng, dù nó luôn là “Chà, đẹp đấy!” hay “Họa sĩ của tôi vẽ càng ngày càng lên tay thật!”.
Cha tôi luôn nhìn tôi hay những thứ tôi đưa cho ông bằng mắt. Bà của tôi hay những người đến nhà tôi chơi cũng vậy. Nhưng mẹ thì lại khác. Mẹ luôn nhìn mọi thứ bằng tay. Mỗi khi âu yếm tôi, mẹ sẽ đưa cả hai tay sờ thật kỹ khuôn mặt tôi. Mẹ lấy tay nhìn tranh tôi vẽ, nhìn những tượng đất sét tôi nặn, rồi cũng bằng cách đó, mẹ làm mọi thứ để chăm lo cho gia đình. Chưa bao giờ tôi nghĩ việc mẹ tôi không nhìn mọi vật bằng mắt là bất thường cả.
Tôi nhớ mãi cách mẹ chải tóc cho tôi Mẹ cầm lược ở tay phải, còn tay trái kẻ một đường từ đầu mũi tôi, thẳng lên giữa hai chân mày đến tận đỉnh đầu. Đó là cách để mẹ rẽ cho tôi đường ngôi thẳng tắp không chê vào đâu được.
Rất nhiều lần khi bị té, tôi chạy vào khóc với mẹ Bàn tay mẹ lại nhẹ nhàng rửa vết thương, băng bó cho tôi Ngay lập tức, vết thương không còn đau đớn gì nữa. Thuở nhỏ, tôi vẫn thường tự hỏi không biết đôi bàn tay gầy guộc ấy có phép tiên gì hay khôngệ Tuy nhiên, cũng có những thứ mẹ tôi không nhìn thấy. Mẹ không thể biết mấy con mèo con mới sinh có màu gì nếu tôi không nói Mẹ cũng không thể chơi trò xếp hình hay chơi bóng ném cùng tôi Nhưng đó chỉ là một phần rất ít những điều mẹ không làm được.
Một hôm, tôi lén lấy một cái bánh rán trên đĩa. Mẹ không nói lời nào và dĩ nhiên tôi nghĩ ngay rằng mẹ không hề hay biết gì cả. Nhưng khi tôi đang nhóp nhép đi ngang qua mẹ, mẹ kéo tay tôi lại và nói:
– Karrey, lần sau con phải xin phép mẹ chứ không được ăn tùy tiện như vậy. Con có thể có mọi thứ con muốn, chỉ cần con xin phép mẹ.
Tôi có một anh trai, một chị gái và một em trai, và không ai trong chúng tôi có thể hiểu được tại sao mẹ biết rõ những gì chúng tôi làm.
Một ngày nọ, anh trai tôi đem về một con chó hoang và giấu nó trong phòng mình. Ngay chiều hôm đó, mẹ vào phòng anh và yêu cầu anh tôi mang con chó ra ngoài ngay lập tức. Thật chẳng có điều gì chúng tôi có thể che mắt được mẹ.
Một đêm, tôi lén mẹ bật ti-vi rất nhỏ để vừa làm bài tập vừa xem. Mẹ bước vào phòng và hỏi: – Karrey, con đang làm bài tập hay đang xem ti-vi vậy?
Thế là tôi đành tiu nghỉu tập trung vào bài học của mình, về sau, tôi cứ nghĩ mãi và tự hỏi làm sao mẹ biết được rằng chính là tôi ở trong phòng chứ không phải anh hay chị tôi.
– Con yêu, chỉ cần nghe hơi thở của con là mẹ đã nhận ra được rồi!
– Mẹ bình thản trả lời tôi như thế Mẹ cũng có một khả năng định hướng rất tốt. Nhà tôi có một chiếc xe đạp đôi và mấy anh chị em tôi thường thay phiên nhau chở mẹ. Tôi ngồi ghế trước điều khiển tay lái và đạp cùng mẹ đang ngồi ở ghế sau.
Dường như lúc nào mẹ cũng biết rõ chúng tôi đang ở đâu để chỉ đường rõ ràng và chính xác Mẹ biết cả khi chúng tôi đến gần một ngã tư hay khi có một chiếc xe hơi lao nhanh qua.
Năm lên chín, tôi thắc mắc mãi, làm thế nào mà mẹ biết được tôi tắm rửa có sạch sẽ hay không. Một bữa nọ, khi tôi đang mải chơi với đống đồ chơi trong bồn tắm thì mẹ bước vào và hỏi:
– Karrey, con chưa chịu đi tắm à?
Lúc ấy, tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mẹ biết được điều đó.
Mãi đến khi lớn lên, tôi mới biết được rằng mẹ hiểu tâm lý của một đứa bé gái đang thích thú với những món đồ chơi trong nước thì sẽ không nhớ đến việc tắm rửa cho mình. Cứ như thế, mẹ nuôi lớn chúng tôi bằng đôi mắt trong tâm hồn mình.
Nhưng liệu mẹ có thể hình dung khuôn mặt của các con mẹ chỉ bằng cách cảm nhận qua đôi bàn tay? Một ngày khi tôi 17 tuổi và đứng trước gương chải tóc, tôi đã hỏi bà: – Mẹ thật sự không biết chúng con trông ra sao đúng không?
Bà vuốt mái tóc tôi và đáp:
– Mẹ biết chứ, con yêu.
– Thật sao mẹ? Làm sao mẹ biết được?
– Mẹ biết con trông như thế nào ngay lần đầu tiên các bác sĩ đặt con vào tay mẹ. Mẹ cảm nhận được từng centimet cơ thể con và từng sợi tóc mềm mại trên đầu con. Mẹ biết tóc con màu vàng và đôi mắt con màu xanh vì cha con nói với mẹ như thế. Mẹ biết con rất xinh đẹp vì đó là những lời mẹ nghe được từ mọi người. Và quan trọng hơn cả, mẹ biết con của mẹ có một tâm hồn đẹp, vì con đã thể hiện điều ấy hàng ngày, từ lúc còn là một đứa trẻ đến khi trưởng thành như lúc này đây…
Mắt tôi chợt nhòe đi. – Mẹ biết con rất khỏe vì con yêu thể thao. Mẹ biết trái tim con nhân hậu khi nghe con trò chuyện với loài vật và các em nhỏ. Mẹ biết con rất mạnh mẽ vì con đủ can đảm để bảo vệ lẽ phải. Mẹ biết con trân trọng mọi người qua cách con đối xử với họ. Mẹ biết con thông minh vì con luôn vượt qua các kỳ thi một cách dễ dàng. Mẹ cũng biết con tràn đầy niềm tin và hy vọng vì mẹ thấy trong con sự kiên trì, không ai có thể làm con nản chí. Mẹ biết con yêu thương gia đình khi con bênh vực anh chị mình. Mẹ biết trong con tràn ngập tình yêu vì con luôn thể hiện tình yêu ấy với mẹ và cha. Chưa bao giờ con tỏ ra mình bị thiệt thời vì có một người mẹ mù. Vì vậy, con yêu, – mẹ kéo tôi lại gần, – mẹ biết con trông như thế nào và đối với mẹ, con rất đẹp.
Đó là chuyện của mười năm trước, còn bây giờ, tôi đã làm mẹ. Khi các bác sĩ đặt lên tay tôi đứa con trai đầu lòng, tôi nhắm mắt lại và dang hai tay của mình ra. Cũng như mẹ, có thể cảm nhận từng centimet cơ thể của con mình và biết rõ là nó rất xinh. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn thích tắt đèn, ôm con vào lòng để cảm nhận những gì mẹ tôi đã cảm nhận trước đây.