Khám phá động Ma: Thế giới những điều bí ẩn
Cách TP.Thanh Hoá 140km, xã Hồi Xuân có phong cảnh hữu tình, là nơi sông Luồng nhập với sông Mã đỏ ngầu băng mình qua bạt ngàn đá phiến. Nơi ấy có động Ma nằm giữa mây mù trên núi đá tai mèo vòi vọi.
Khi tôi và tiến sĩ Nguyễn Văn Việt – GĐ Trung tâm Tiền sử ĐNÁ – sắm sửa để khám phá động, cựu Phó Chủ tịch huyện Quan Hoá – ông Phạm Hồng Nêu – kêu ồi ồi không cho đi. Khi chúng tôi vẫn hăm hở đòi đi xem hơn một trăm cỗ quan tài cổ treo trong động Ma, ông Nêu cùng bà vợ đành đi mượn dao rừng, giày tất, mua nhang khói phục vụ các vị khách.
Cái quan trọng nhất là kiếm người dẫn đường giỏi giang, tin cẩn – kẻo dễ bỏ xác trên núi cao lắm. Trưởng bản Khằm – anh Phạm Hồng Sơn – được “triệu tập” đến, tiếp theo là phó bản (tên là Dũng) cũng có mặt.
Dũng là thợ săn lão luyện, cũng từng là kẻ phá sơn lâm khét tiếng, nên anh ta đã hai lần trực tiếp chui vào hang Ma. Bản Khằm có 194 hộ, với 920 khẩu, nhưng số người dám lên hang Ma (có tên tiếng Thái là Lũng Mu) chỉ đếm trên đầu ngón tay! …Bước khỏi dòng sông Luồng, lập tức chúng tôi ngộp vào một cánh rừng rậm rạp.
Cây và dây leo trùm trên đá tai mèo phún sắc, lá mục dày hàng gang tay, muỗi rĩn phi như vãi trấu vào mặt người leo núi. Nhiều đoạn, vách núi dựng đứng, leo cả tiếng đồng hồ chỉ nhích lên cao được độ 30m. Nhiều lúc, cả trưởng bản lẫn phó bản phải kỳ công kéo rồi đỡ thì tiến sĩ Việt mới lê được cái tuổi 56 của mình ngược đỉnh trời.
Càng lên cao, rừng càng hoang dã. Mùi phân dơi, lợn rừng, sơn dương, nai hoẵng cứ sực lên đến tắc thở. Đó là lúc động Ma hiện ra, với lồng lộng gió ngoài cửa hang.
Ngay cửa hang là la liệt quan tài. Quan tài làm bằng thân gỗ lớn, khoét hình thây người với hai đầu nhỏ thon dần, khúc giữa phình to; hai đầu khúc gỗ khoét có hai cái núm như chuôi vồ (có thể dùng để khiêng), tiếng Thái gọi là phần chuông hậu. Mỗi mảnh quan tài thể hiện rõ những khấc gỗ dùng để ghép hai nửa thân gỗ đã khoét với nhau (sau khi đã đặt thi hài người quá cố vào). Vật đem chôn sẽ nguyên bản như một thân cây khi nó đang đứng trong rừng.
Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn hai phần thân gỗ khum khum úp vào nhau. Mỗi phần của cỗ quan tài nằm như một con thuyền độc mộc. Chỏng chơ.
Nhiều mảnh quan tài vỡ vụn, mục ruỗng, rêu mốc xanh rì.
Chúng tôi tiếp tục leo trong động, bằng cách bắc các cỗ quan tài gá vào nhau làm thang để lên đến cấp độ thứ hai và ba của Lũng Mu. Tại lòng hang thứ ba, dễ đến 50 cỗ quan tài nữa hiện ra. Quan sát kỹ, có thể thấy giàn giáo đặt quan tài (lên tầng 2) được làm rất công phu.
Cột gỗ dựng từ lòng hang, chằng với các thanh dầm húc sâu vào các vách đá, vững chãi. Anh Dũng trèo lên nóc “tầng 2”, dùng dao đẽo những thanh gỗ quan tài đã vỡ lăn lóc. Ai nấy giật mình thấy gỗ vẫn dẻo quánh, vàng sậm, toả mùi thơm nhè nhẹ.