Niềm tin

Niềm tin vào chính mình có sức mạnh xua tan tất cả sự hoài nghi của người khác – Khuyết danh

Tôi sợ, sợ kinh khủng. Trong hoàn cảnh của tôi, có ai mà không sợ cơ chứ? ở lần phẫu thuật trước, chỉ thiếu chút nữa thì tôi đã không thể qua khỏi vì mất quá nhiều máu. Vậy mà tôi lại sắp phải phẫu thuật một lần nữa. Ca mổ lần này sẽ quyết định số phận của tôi, bởi nó sẽ xác minh khối u trong cơ thể tôi là lành tính hay ác tính.

Sau khi thử đặt chân lên lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết trong lần phẫu thuật trước, tôi đã có được một chút kinh nghiệm trong cuộc chiến sống còn của mình. Ra viện, tôi đã tìm được rất nhiều sách về vấn đề tâm linh, dẫu rằng trước giờ tôi vẫn khăng khăng giữ lập trường duy vật biện chứng của mình. Giữa con đường mờ sương không lối ra mà tôi đã mò mẫm đi qua trong khi ca phẫu thuật đang tiến hành, đầu óc tôi lờ mờ nhận ra một cuộc sống khác của con người mình. Một thế giới tinh thần sinh động, phức tạp đã dần hé lộ, và lần này, tôi sẽ dựa vào nó để chiến đấu một cách mạnh mẽ. Tôi nhất định sẽ không là một bệnh nhân thụ động, nằm chờ vô vọng trên bàn phẫu thuật nữa. Tôi đã có một kế hoạch.

Ca phẫu thuật được ấn định vào lúc 8 giờ sáng ngày thứ ba tại một bệnh viện lớn ở Los Angeles. Chiều ngày thứ hai, tôi làm thủ tục nhập viện với một tâm trạng hồi hộp không tránh khỏi. Đêm đó, bác sĩ gây mê đến gặp tôi tại phòng bệnh – một thủ tục thông thường trước mỗi ca phẫu thuật. – Thưa bác sĩ, lần trước sau khi phẫu thuật xong, tôi bị nôn ghê lắm.

Lần này, bác sĩ có thể cho tôi một liều gây mê khác được không?

– Tôi lo lắng hỏi.

– Tôi sẽ làm như thế, nếu cô thấy thoải mái hơn!

– Vị bác sĩ trả lời sau một lúc suy nghĩ.

– Bác sĩ ạ, tôi muốn nhờ ông cùng hợp tác với tôi một việc!

– Tôi bắt đầu kế hoạch của mình, trái tim đập như trống dồn trong lồng ngực vì hồi hộp.

– Tôi đã được một cuốn sách có tên là “Những phương pháp chữa trị hiệu quả nhất” của Bobbie Probstein. Trong quyển sách này có đề cập đến việc ngay cả khi một người đã được gây mê hoàn toàn, tiềm thức vẫn có thể lưu lại những gìhọđược nghe. Vì vậy, trong cuộc phẫu thuật ngày mai, tôi xin ông hãy nói với tôi những câu tốt lành, ông có sẵn lòng giúp tôi điều đó không, thưa bác sĩ?

– Cô nghĩ việc đó là quan trọng thật sao?

– Vị bác sĩ ngạc nhiên hỏi lại.

– Đúng vậy, tôi tin vào sức mạnh của tinh thần. Ông có thể giúp tôi chiến đấu với bệnh tật tốt hơn bằng những lời động viên ngay cả khi tôi đang hôn mê. Tôi cần sự bảo đảm của bác sĩ rằng ông sẽ làm những gì tôi đề nghị, ngay cả trong trường hợp ông chỉ làm thế để an ủi hay làm vừa lòng tôi thôi.

– Được rồi, tôi sẽ làm.

– ông nhìn thẳng vào mắt tôi.

– Trước đây, tôi chưa từng làm như vậy bao giờ, và tôi cũng không thực sự đồng ý với chị rằng một bệnh nhân được gây mê lại có thể nghe hay cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nhưng nếu chị đã tin thì cứ yên tâm là tôi sẽ làm những gì chị muốn.

– Xin cảm ơn bác sĩ! Tôi không muốn nghe ai đó nói về bất kỳ điều gì không hay trong khi tôi đang được phẫu thuật. Bác sĩ có thể nói giúp tôi như vậy với ê kíp mổ ngày mai được chứ?

– Cô cứ yên tâm, tôi sẽ làm như thế!

– Vị bác sĩ khẳng định rồi bước ra ngoài, để lại trong tôi một niềm hy vọng. Tôi hy vọng rằng kế hoạch của tôi là hoàn toàn đúng đắn.

Khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi chẳng có chút ý niệm nào về thời gian. Cảm giác đau đớn không còn nữa, trái lại, tôi cảm thấy dễ chịu đến kinh ngạc. Tôi nhận ra mình chẳng hề cảm thấy buồn nôn, thậm chí, tôi còn muốn đi lại cho khỏi chồn chân.
Chiều tối hôm đó, vị bác sĩ phẫu thuật đến thăm tôi.

– Trông cô khá lắm.

– ông nói.

– Còn hơn cả mong đợi của tôi. Từ trước đến nay, cô là người phục hồi nhanh hơn bất kỳ bệnh nhân nào mà tôi từng biết. Mọi người trong ê kíp phẫu thuật cũng rất vui và kinh ngạc trước trường hợp của cô. Và tin tốt lành nhất mà tôi muốn mang đến cho cô là: tất cả các kết quả xét nghiệm của cô đều âm tính.

Điều đó có nghĩa là hoàn toàn không còn dấu hiệu của một khối u ác tính nào.

Ngày hôm sau, bác sĩ gây mê cũng ghé thăm tôi với một nụ cười rạng rỡ trên môi:

– Tôi rất ấn tượng. Cô đã tỏ ra vô cùng can đảm trên bàn mổ. Không như lần trước, trong lần phẫu thuật này, cô mất rất ít máu. Cô thật sự đã khiến tôi bị thuyết phục về phương pháp chữa trị bằng tinh thần. Vì vậy, từ giờ trở đi, tôi sẽ luôn nói những lời tích cực với tất cả các bệnh nhân của mình.

– Vâng, cảm ơn những gì bác sĩ đã làm cho tôi. Thế bác sĩ đã dùng loại thuốc gây mê nào để thay loại kia vậy? Lần này tôi không gặp vấn đề gì cả.

– Sự thật là, Sheri ạ, tôi vẫn dùng thuốc cũ vì đó là loại tốt nhất mà bệnh viện có.

– ông mỉm cười.

– Tôi cũng không hề cho cô dùng thêm bất cứ loại thuốc nào để phòng chứng buồn nôn. Tất cả những gì tôi làm để giúp chống lại chứng buồn nôn của cô là lặp đi lặp lại câu: “Cô sẽ không bị nôn nữa đâu”.

Như vậy, rõ ràng sự hợp tác của chúng tôi đã đem lại kết quả.

Giờ thì tôi hiểu rằng tôi hoàn toàn có quyền định đoạt đối với bản thân mình. Nếu tôi tin và chủ động đề nghị người khác củng cố niềm tin đó trong tôi, tôi sẽ có thể làm nên những điều kỳ diệu.

Tôi đã được được ở đâu đó rằng những bệnh nhân thụ động, chỉ biết phó thác cuộc sống của mình cho người khác thường không mau lành bệnh bằng những bệnh nhân có tính quả quyết và chủ động. Vì vậy, hãy cứ tin tưởng và làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề, bằng sự quyết tâm của bản thân cùng với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Sau lần phẫu thuật thứ hai này, tôi đã có được nhận thức sâu sắc về sức mạnh hòa quyện giữa cơ thể, tâm hồn và trí óc của con người.

Chúng quả là một thể thống nhất!

Viết một bình luận