1. Như từ trước đã nói, đời sống của con người là thứ khó lìa khỏi phiền não, và từ vô thỉ xa xưa con người đã mang tội nghiệp chồng chất như núi, rồi u mê chồng chất u mê. Do đó, cho dù có viên ngọc Phật tánh nhưng không dễ dàng khai mở được.
Đức Phật nhìn thấu suốt điều này của con người. Trong thời xa xưa, có một vị bồ-tát, vì thương con người, muốn xoa dịu tất cả lo sợ cho con người mà làm vị bồ-tát đại từ bi, phát khởi nhiều hạnh nguyện, và thề rằng cho dù thân này chịu khổ nhọc thế nào thì cũng quyết thực hành cho bằng được. Đại khái những hạnh nguyện ấy là:
a) Nếu tôi thành Phật thì những chúng sanh sinh vào trong cõi nước của tôi cũng có thể thành Phật, nếu chưa đạt được thì tôi nguyện không thành.
b) Nếu tôi có thành Phật mà ánh sáng của tôi còn giới hạn chưa thể chiếu soi toàn cõi nước thì tôi nguyện không thành.
c) Nếu tôi thành Phật mà thọ mạng có thể đếm được, cho dù là số bao nhiêu đi nữa, thì tôi cũng nguyện không thành.
d) Nếu tôi thành Phật mà mười phương thế giới chư Phật không tán thán hết lời, không xưng danh hiệu tôi thì tôi nguyện sẽ không thành.
e) Nếu tôi thành Phật mà mười phương chúng sanh với tâm chân thật, khởi niềm tin sâu sắc muốn sanh vào nước tôi, nếu niệm danh hiệu tôi mười lần mà không thể sanh về, thì tôi nguyện sẽ không thành Phật. f) Nếu tôi thành Phật mà mười phương chúng sanh khởi tâm cầu đạo, tu tập nhiều công đức, với tâm chân thật phát khởi hạnh nguyện muốn sanh về cõi nước của tôi, nếu khi người đó mệnh chung mà tôi không cùng các vị bồ-tát vĩ đại xuất hiện trước vị ấy để đón về thì tôi sẽ không thành Phật.
g) Nếu tôi thành Phật mà mười phương chúng sanh nghe tên tôi, nghĩ về cõi nước của tôi, với việc đã gieo trồng nhiều công đức, tận tâm cúng dường, muốn sanh về cõi nước của tôi mà không thể sanh về như ý, thì tôi nguyện không thành Phật.
h) Nếu tôi thành Phật, những chúng sanh sinh vào trong nước tôi sẽ đạt được giai vị đời sau sẽ thành Phật. Chỉ trừ những ai có phát thệ riêng, vì lợi ích của chúng sanh mà mặc áo đại nguyện, tinh tấn vì lợi ích và an lành cho thế gian, dẫn dắt vô lượng chúng sanh đến giác ngộ và thực hành đại từ bi. Nếu không như thế thì tôi nguyện không thành Phật.
i) Nếu tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới khi tiếp xúc với ánh sáng của tôi thì thân tâm nhu nhuyến, muốn có những thứ thù thắng hơn cõi đời này. Nếu không như thế thì tôi nguyện không thành Phật.
j) Nếu tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới khi nghe tên tôi sẽ được niềm tin sâu sắc không bị sanh tử buộc ràng, và cũng được trí tuệ sâu mầu không gì chướng ngại được, nếu không được như thế thì tôi nguyện không thành Phật.
Nay tôi phát khởi những thệ nguyện này, nếu những nguyện này không tròn đầy được thì tôi thề không thành chánh giác. Tôi sẽ thành nguồn ánh sáng vô tận chiếu soi khắp tất cả cõi nước, cứu vớt chư khổ não trong đời, vì chúng sanh khai mở kho tàng chánh pháp, ban bố công đức rộng khắp muôn nơi.
2. Lập nguyện như thế, vị ấy đã tích tập công đức trải qua thời gian dài vô lượng, kiến tạo quốc độ thanh tịnh và đã thành Phật từ xa xưa, nay đang thuyết pháp nơi thế giới cực lạc ấy.
Cõi nước ấy thanh tịnh, an ổn, lìa các phiền não, ngập tràn niềm vui của sự giác ngộ. Đồ mặc, thức ăn và tất cả những điều đẹp đẽ hiện ra đúng như mong muốn của những chúng sanh ở cõi nước ấy. Khi những cơn gió nhẹ thổi qua, những cây báu đung đưa phát ra âm thanh thuyết pháp khắp bốn phương, người nghe âm thanh ấy, cấu uế trong tâm tuyệt đối không còn.
Lại nữa, đất nước ấy luôn có những bông hoa sen đủ màu nở thắm, mỗi bông hoa có rất nhiều cánh, nơi mỗi cánh, ánh màu của cánh ấy lấp lánh, mỗi ánh sáng đó nói ra lời dạy của Phật, làm cho người nghe an lành trong con đường đạo.
3. Lúc bấy giờ tất cả chư Phật trong mười phương khen ngợi công đức thù thắng của đức Phật này.
Bất cứ ai nghe đến danh hiệu của Phật này đều nhất tâm mừng vui tin tưởng, và do đó được sinh về cõi nước của Phật ấy.
Những người đến được cõi nước của Phật ấy đều có thọ mạng vô cùng, lại nữa tự mình còn phát thệ muốn cứu những người khác và nguyện ấy được khuyến khích thực hành.
Với việc phát khởi những thệ nguyện như thế sẽ lìa khỏi chấp trước, chứng được đạo lý vô thượng. Lợi ích cho mình mà đồng thời cũng làm lợi cho người khác, cùng sống trong từ bi với tất cả mọi người, không ràng buộc trong chấp trước thế gian.
Con người trong cõi Phật vừa hiểu khổ đau nơi cõi đời này, đồng thời cũng biết khả năng vô hạn về từ bi của Phật.
Trong tâm họ không chấp trước, không còn phân biệt giữa mình và người, đến hay đi, tiến lên hay dừng lại đều không chấp nhất, tự do tự tại như mong muốn. Và hơn nữa, họ đã chọn ở lại cùng bên những người mà đức Phật đã rủ lòng từ bi.
Do đó, nếu có một người khi nghe danh hiệu của đức Phật này mà hoan hỷ dõng mãnh, dù chỉ một lần niệm danh hiệu của ngài thì người ấy cũng được lợi ích lớn. Do đó, cho dù phải kinh qua thế giới đầy lửa dữ này, khi nghe lời dạy ấy thì nên hoan hỷ kính tin mà thực hành theo đó.
Nếu con người nghiêm túc muốn được giác ngộ thì dù gì cũng phải nhờ sức của đức Phật này. Không có sức gia trì của chư Phật mà có thể giác ngộ là điều không thể đối với con người thường tình nơi thế gian. 4. Đức Phật A-di-đà ấy không cách xa chúng ta. Cõi nước của Phật ấy tuy có xa nhưng cũng tồn tại trong tâm của những ai nhớ nghĩ đến Phật.
Trước tiên, nếu tưởng tượng nhìn thấy hình tướng của Phật ấy trong tâm, ngài có ngàn vạn ánh vàng chói sáng, có tám vạn bốn ngàn tướng mạo và đặc trưng. Nơi mỗi mỗi tướng mạo ấy có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, mỗi mỗi ánh sáng ấy chiếu soi đến những ai tín thành niệm Phật, bao dung không sót một ai.
Và với việc chiêm bái đức Phật này mà có thể chiêm bái được tâm của Phật. Tâm của ngài chính là lòng từ bi vĩ đại, không những cứu độ những người có tín tâm, mà còn cứu độ cho cả những người không biết đến hay quên mất lòng từ bi của Phật.
Đối với người có tín tâm, Phật ban cho cơ hội hợp nhất với ngài. Nếu nghĩ nhớ đến Phật thì vì ngài hoá thân đến khắp tất cả mọi nơi nên cũng hiện vào trong tâm của tất cả mọi người.
Chính vì thế, khi trong tâm nghĩ đến Phật thì tâm ấy thật sự có Phật với những đặc trưng và tướng mạo viên mãn, tâm ấy chính là tâm Phật.
Người có tín tâm thanh tịnh chơn chánh thì nên hình dung tâm mình chính là tâm của Phật.
5. Đức Phật có nhiều hình tướng, hiện ra tuỳ theo năng lực của mỗi người, đầy khắp nơi thế giới này, vô hạn không thể nghĩ lường hết được. Có thể chiêm ngưỡng hình tướng ấy trong vũ trụ, trong tự nhiên, trong mỗi mỗi con người.
Tuy nhiên, việc niệm danh hiệu Phật thì chắc chắn có thể chiêm bái được hình tướng của ngài. Đức Phật này thường có hai vị bồ-tát đi theo nghênh đón những ai niệm Phật.
Tuy hoá thân của Phật đầy khắp thế giới nhưng chỉ có người có tín tâm thì mới có thể nhìn thấy được.
Dù chỉ nghĩ đến hình tướng giả tạm của Phật thôi cũng được vô lượng công đức, nên công đức chiêm bái đức Phật chân thật là không thể nghĩ lường.
6. Tâm của đức Phật này chính là trí tuệ và từ bi vĩ đại cho nên đối với bất cứ hạng người nào cũng có thể cứu độ được.
Do ngu si mà phạm tội tày trời, tâm thì ôm những ý nghĩ tham sân si, miệng thì nói lời dối trá, nói lời vô ích, nói lời ác, nói hai chiều, thân thì sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Người
phạm 10 điều ác như thế, do vì những hành vi ác ấy mà vĩnh viễn chịu khổ trong tương lai.
Những người ấy khi mạng chung có bạn lành đến, thân thiết chỉ cho rằng: “lúc này có lẽ anh đang đau đớn, nghĩ đến Phật e cũng không nổi. Nhưng anh chỉ cần thầm gọi tên của Phật thôi cũng được lợi ích”.
Người ấy liền nhất tâm gọi tên Phật, trong khoảnh khắc, diệt trừ tất cả tội nghiệp vốn phải bị đoạ vào thế giới u mê và được cứu độ.
Nếu con người niệm danh hiệu Phật này thì sẽ tiêu trừ được tội lỗi vốn phải chịu đoạ vào trong thế giới u mê bất tận.
Huống hồ nhất tâm nhớ nghĩ thì đương nhiên lại càng được lợi ích hơn.
Người tinh tấn niệm Phật là người thanh cao như hoa sen trắng. Sẽ thành bạn lữ với hai vị bồ-tát từ bi và trí tuệ, lại thường không xa lìa thánh đạo, và cuối cùng sẽ được sanh về cảnh giới tịnh độ.
Do đó, con người cần phải ghi nhớ điều này. Việc ghi nhớ điều này cũng là ghi nhớ danh hiệu của đức Phật ấy.