LOẠI TƯỚNG CHÍNH THƯỜNG: LỐI PHÂN LOẠI CỦA VƯƠNG VĂN KHIẾT
Đây là lối phân loại bắt nguồn từ Ngũ hành hình tướng. Tác giả mượn hình tượng của 10 chữ Hán là: Do, Giáp, Thân, Điền, Đồng, Vương, Viên, Mục, Dụng và Phong để tượng trưng cho 10 khuôn mặt điển hình cho nên lối phân loại này còn được gọi là Thập đại tự hình tướng. Nhìn vào hình dạng của 10 chữ đó ta cũng đủ hình dung được những nét đặc thù của từng khuôn mặt điển hình đúng như tác giả đã nói: ” Biết rõ được lý lẽ và cách cấu tạo của từng chữ một ta sẽ thấy được cái lẽ huyền diệu bao hàm trong lối phân loại này”.
Ý nghĩa và lý do khiến tác giả lấy 10 chữ để bao gồm khuôn mặt con người vào 10 mẫu chính tác giả dẫn giải trong bài tựa, xin trích một đoạn sau đây: “Diện mạo con người có muôn nghìn hình thái há có thể lấy 10 chữ mà vẽ nên hết được sao? Nhưng người giỏi nhận xét, biết suy đoán sẽ dựa vào gốc chính mà suy ra được muôn vạn cái khác bắt nguồn từ gốc mà ra. Người giỏi phép xem tướng mặt có thể dựa vào Ngũ hành làm gốc mà bao trùm muôn vạn hình dạng. Vì con người hập thụ tinh túy của Ngũ hành trong trời đất mà thành hình dạng nên không thể thoát ly ra khỏi Ngũ hành” Lối phân loại này dựa vào sự chính (tức là sự đúng cách) và sự thiên (tức tạp cách) của Ngũ hành. Bởi vậy, khuôn mặt của cong người dù có trăm ngàn vạn mớ nét khác biệt, vẫn chẳng thể nào ra khỏi những nét điển hình khái quát của 10 mẫu dựa vào hình dạng của 10 chữ.
Nay lấy sự chính của Ngũ hành mà bàn, ta thấy rằng: hình chính Hỏa trên nhỏ nhọn, dưới nở rộng, há chẳng mường tượng dạng chữ Do hay sao?
Khuôn mặt của hình chính Mộc, trên rộng dưới hẹp chẳng phải tương tự của hình chữ Giáp hay sao?…
Bàn về sự thiên (tạp cách) ta thấy có kẻ do sự kết hợp hỗn tạp của hình Hỏa và Mộc là ở giữa mặt lớn, trán và Cằm nhọn, há chẳng mường tượng như chữ Thân hay sao?…
Sự thiên, sự chính của Ngũ hành có thiên hình vạn trạng nhưng vẫn không vượt ra ngoài Ngũ hành. Mười loại điển hình tuy ít, nhưng tóm tắt được ý nghĩa của Ngũ hành hình tướng (Ngũ hình chính và thiên) nên có thể bao gồm được hết khuôn mặt của con người.
Bây giờ căn cứ vào tiêu chuẩn đã được nêu trên, ta đi sau vào cách mô tả những nét chi tiết đặc thù của từng mẫu người điển hình và ý nghĩa của từng mô thức một.