THỬ PHÁT HỌA HAI Ý NIỆM THANH VÀ TRỌC TRONG NHÂN TƯỚNG HỌC

LÝ TƯỚNG VÀ PHÁP TƯỚNG: NGUYÊN TẮC THANH TRỌC

Trong tướng học Á Đông, Thanh và Trọc là hai ý niệm vô cùng súc tích và là hai ý niệm căn bản để giải đoán quí tiện cát hung, thành bại, thọ yểu của con người. Thanh Trọc chi phối hết các nét tướng của con người. Có thể nói mọi lãnh vực quan sát của tướng học Á Đông đều hướng về việc tìm tòi phân biệt những điểm Thanh, Trọc rồi dựa vào đó mà luận đoán. Nhưng trước hết Thanh, Trọc là gì ?

a) Thanh:

Từ ngữ Thanh chỉ tất cả các nét tướng tốt của con người, từ tướng cơ thể đến tướng tinh thần, từ nét tướng động tĩnh và cả những nét tướng phối hợp động, tĩnh bao gồm cái tốt về phẩm và về lượng dưới đủ mọi dạng thức.

Nếu nói về Sắc da, Thanh có nghĩa là hữu tình, ưa nhìn, không đậm, không nhạt.

Trong trường hợp này việc thẩm định tính chất Thanh nặng về chủ quan và trực giác hơn là khách quan và thị giác hiểu theo nghĩa thông thường.

Nói về giọng nói, Thanh có nghĩa là trong trẻo, Âm lượng vừa phải, không quá lớn đến đinh tai nhức óc, không chua như dấm, không xoáy vào tai người nghe như kim châm,… nhưng không quá nhỏ như tiếng dế, tiếng ong.

Giọng nói thanh tao, hảo cảm, vui tai không phải vì lý luận hữu lý mà vì tính chất ấm áp hay trong trẻo, rõ ràng, không rè, không chát.

Nói về cử chỉ, Thanh có nghĩa là cử chỉ mực thước, quý phái không sỗ sàng, cương nhu thích nghi. Đó là cử chỉ của loại người gọi là hào hoa, phong nhã, theo đúng nghĩa trong sạch của nó.

Nói về bộ vị hay người bộ vị Thanh kết hợp lại tạo thành một cơ thể hay cơ cấu cân xứng, linh động, có sinh Khí về cả phẩm lẫn lượng một cách có thẩm mỹ. Cặp Lông Mày được gọi là Thanh khi sợi Lông Mày không lớn hơn sợi tóc, dài và mọc cách nhau thế nào để kẻ quan sát cách xa đó một hay hai thước nhìn thấy được phần da của chân Lông Mày, Sắc Lông Mày đen xanh và mượt. Mũi Thanh là Mũi ngay thẳng và cao, không lệch, Gián Đài và Đình Úy không quá lớn. Đầu Mũi không quá mập. Chẳng hạn Mũi tiêm đồng, Mũi thông thiên được coi là Thanh, Mũi sư tử, Mũi túi mật treo bị coi là TrọC.

Nói về thân hình, loại người hình mộc (loại Giáp Mộc) được coi là Thanh, người trọng Thổ bị xem là Trọc.

Nói về thần Khí, kẻ Mắt lồi, mục quang hung hãn, hoặc lòng đen, tròng trắng mờ đục thì không Thanh. Trái lại, ánh Mắt sáng, êm dịu, tinh anh, đồng tử trong suốt như pha lê, tròng đen lòng trắng rõ ràng, thuần khiết không mờ đục, không có tia máu xÂm phạm được coi là thần Thanh, Khí sảng. Nói về tổng quát, nếu có sự phối trí tương xứng theo một hòa điệu giữa các thành phần trong bộ vị cơ thể thì gọi là Thanh.

Thí dụ: phía sau đầu và trước mặt, phía phải và trái khuôn mặt cân xứng và thích nghi với thân mình được xem là Thanh, trong phép phối hợp ngũ hành của cơ thể, người thuần túy một hình hay bác tạp nhưng không xung khắc được xem là Thanh. Chẳng hạn thân hình nặng nề, chắc nịch, mặt Mũi thô kệch nhưng Mắt sáng, mày tươi, giọng trong trẻo thì phần sau đó gọi là Thanh trong cái Trọc của toàn thể thân hình.

Nói về động tĩnh, nếu có hòa hợp động và tĩnh tức là phần động trội hơn phần tĩnh nhưng không làm mất thế quân bình, phần phẩm hơn phần lượng, nhưng không vượt ra ngoài tiêu chuẩn đều được gọi là Thanh. Đó là trường hợp những kẻ gầy yếu, lùn, nhỏ nhưng thần thái tuấn tú, chân tay thô kệch nhưng bước đi nhẹ nhàng Thanh thoát. Nói về tâm tướng, những người cao thượng hoằng đại khiến người nhìn như quên đi sự thiếu sót của hình hài chỉ thấy sự cao khiết khoáng đạt của tâm tính thì đức tính đó được xem là Thanh

b, Trọc:

Ngược lại với Thanh là Trọc, chỉ tất cả những gì không hợp tiêu chuẩn mà đi quá đà, thông thường người ta cho những gì thái quá là Trọc nhưng trong tướng học muốn cho chính xác phải kể cả những gi bất cập đều là Trọc. Chẳng hạn như:

– Khuôn mặt trung bình mà Mũi thì quá lớn, Chuần Đầu quá mập, Gián Đài và Đình Úy quá nảy nở như các loại Mũi sư tử, Mũi túi mật treo là Trọc.

– Hình Thổ, quá nặng nề, chậm chạp là Thổ Trọc

– Giọng Mộc cao nhưng không trong trẻo là giọng Mộc Trọc

– Sắc da trắng nhưng khô, không tươi nhuận, như phấn mộc gọi là Sắc Trọc

– Tâm tính hẹp hòi không tương xứng với thân thể khôi ngôi hung vĩ là Tâm Trọc

– Âm Dương Ngũ hành bất điều hòa, chẳng hạn như Âm thác, Dương sai gọi là Âm Dương Trọc… Dưới nhãn quan tướng học Thanh là quý, Trọc bị coi là hạ tiện. Thanh chỉ về quý, thọ, vinh hiển, thành đạt, còn Trọc thì ngược lại. Tuy nhiên đó chỉ là tổng quát, trong phép đoán tướng, người ta còn phải đi sâu vào từng chi tiết nhỏ và hết sức tinh tế để phân biệt đâu là Thanh hay Trọc căn bản, đâu là Thanh hay Trọc phụ thuộc chiết trung theo luật thừa trừ để tìm ra phần khả thủ.

Viết một bình luận