LÝ TƯỚNG VÀ PHÁP TƯỚNG: NGUYÊN TẮC THANH TRỌC
Trong quan điểm của tướng học, Thanh trung hữu Trọc được xem là cái đẹp hời hợt, bất túc, trong cái hay đã tiềm ẩn cái dở, nên thường dùng để chỉ trường hợp tốt đẹp bề ngoài, hậu quả tốt chỉ thoáng qua, còn chung cuộc thì rất xấu. Ngược lại, Trọc trung hữu Thanh được xem là cái xấu biểu kiến phủ ra ngoài cái đẹp thực chất, nhưng vì vẫn là cái đẹp không được thập toàn hoàn mỹ, nên khi khởi đầu bị vùi dập, sóng gió. về sau mới có kết quả tốt lành.
Cũng bởi lẽ trên, trong thực tế có những kẻ mặt Mũi khôi ngô, hoặc dung mạo xinh đẹp mà công danh sự nghiệp hoặc bản thân bị khốn đốn bởi vì sinh ra có cách Thanh trung đới Trọc. Có những người thoáng qua thấy tướng mạo cực kì bần hàn, xấu xí mất cả thiện cảm mà rốt cuộc trở thành đại quý cực phú là vì hợp cách Trọc trung hữu Thanh. Dưới nhãn quan tướng học, Thanh được xem là tốt, là quý, vì thế Thanh đồng nghĩa với quý. Trọc bị xem là xấu nên đồng nghĩa với tiện. Ta phải hiểu là tiện và quý trong các sách tướng chỉ dùng để chỉ hậu quả của Thanh và Trọc mà thôi.
Hiểu như vậy, những phá tướng về hình thể lẫn tâm hồn đều bị coi là Trọc, dù là ẩn tàng hay biểu lộ. Những nét tướng tốt dù trong hay ngoài, dễ nhận thấy hay là phải khổ công mất nhiều ngày giờ mới khám phá ra đều được gọi là Thanh. Thanh thì quý đã đành, nhưng như trên đã nói, con người thường Thanh Trọc lẫn lộn, nên vấn đề đặt ra ở đây là Thanh trung hữu Trọc tốt hay Trọc trung hữu Thanh tốt ?
Câu trả lời thông thường là Trọc trung hữu Thanh tốt hơn là Thanh trung hữu Trọc. Nhưng cái đó cũng chỉ có ý nghĩa và giá trị tương đối vì nó còn tùy thuộc vào nhiều dữ kiện :
1-Thanh trung hữu Trọc:
Thông thường thì tốt nhưng không được toàn mỹ. Do đó, Thanh trung hữu Trọc thường không tốt đẹp, hanh thông một cách đều đặn, tiền cát hậu hung.
Điều này không có nghĩa tuyệt đối vì :
– Có những trường hợp Thanh trung hữu Trọc không có tốt đẹp gì đáng kể, mà lại rất xấu nếu những điểm Thanh nhiếu, nhưng là những điểm phụ thuộc hoặc thuộc về lượng, còn Trọc tuy ít nhưng là điểm căn bản, cốt yếu hoặc thuộc về phẩm.
Thí dụ: Mũi có Chuần Đầu đình uy và Gián Đài nảy nở đặc biệt (tức là loại Mũi sư tử hay huyền đởm tỵ) chủ về giàu có, nhưng nếu bị lệch không tương xứng với khuôn mặt hoặc đi đôi với Lưỡng Quyền nhỏ hẹp và nhọn thì bao nhiêu cái quý của Mũi sư tử hướng huyền đởm tỵ bị tiêu giảm gần hết.
Người Mộc tuy Thanh nhã, nhưng đấy chỉ là những nét khái quát, nếu đi sâu vào bộ vị ta thấy Miệng rộng, Mũi hếch Tai thuộc loại tiễn vũ nhĩ, Sắc da trắng xanh thì đó là tướng phá cách hay nói cách khác đi, Thanh trung đới Trọc, kết quả sẽ không ra gì. Kẻ như thế, khó sống được quá 40 tuổi, còn nói gì đến công danh sự nghiệp.
Ngũ Quan tuy toàn hảo nhưng thần Mắt suy nhược, bước chân ẻo lả như sẽ nhảy hoặc xiêu vẹo như rắn bò ngồi gục đầu xuống như cổ chỉ có sụn không có xương thì đấy là tướng yểu chiết chứ không phải là tướng thông tuệ hiển đạt.
Những trường hợp Thanh trung đới Trọc như trên có thể liệt kê hầu như vô tận và đều là loại Thanh Trọc đới Trọc, có hậu quả chung cuộc không ra gì.
Ngược lại, có những trường hợp Thanh trung hữu Trọc không có ảnh hưởng xấu tới cá nhân, nếu điểm Trọc chỉ là các khuyết điểm phụ tuy hoặc thuộc về lượng.
Ví dụ như:
– Người Giáp Mộc pha Kim, thân hình dỏng cao, Ngũ Quan toàn hảo nhưng Cằm vuông, Miệng vuông, Sắc da hơi hồng thì chỉ gặp Tai ương hay vận hạn không tốt một thời, cuối cùng vẫn quý hiển
– Mũi tốt nhưng Sắc da Mũi không dược tươi nhuận thì đến vận hạn về Mũi không thể phát huy tất cả hảo vận chứ không đến nỗi tốt biến thành xấu.
– Nốt ruồi tuy mọc trên các bộ vị tĩnh hoặc hơi lộ liễu trên gương mặt tuy thông thường là xấu nhưng nếu nó là nốt ruồi son hay đen huyền thì vô hại, .
.2- Trọc trung hữu Thanh:
Tương tự như lý luận trên, tuy thông thường là có ý nghĩa tốt về sau nhưng cũng không phải là có ý nghĩa tuyệt đối. Sách tướng tuy có câu “Nhất quý đề cửu tiện, nhất tiện phá cửu quý” thật đấy, nhưng đấy không phải là chân lý tuyệt đối.
Quý ở đây có nghĩa là Thanh là tốt, chứ không có nghĩa là quý hiển. Nói khác đi, Trọc trung hữu Thanh chỉ có hậu quả tốt khi các điểm Trọc đó chỉ phụ thuộc, còn điểm Thanh trung hữu Trọc phải liên quan đến Thần Khí, Khí phách hay phẩm chất nội tạng của các bộ vị mà về mặt biểu kiến bị coi là Trọc của con người.
Chẳng hạn: Tướng ngũ lộ bị coi là Trọc, nhưng Mắt lộ mà ánh Mắt có thần và hòa ái, Mũi lộ khổng mà Chuần Đầu mập mạp, Môi vẩu mà răng tươi Khít và đều, Tai bị đảo ngược Luân Quách nhưng Sắc tươi nhuận và trắng hơn mặt: lộ hầu mà Âm Thanh trong trẻo, có Âm lượng thực ra là tướng Trọc trung hữu Thanh về phẩm chất. Hơn nữa, dựa vào hai điểm Mắt có thần và hòa ái, giọng nói trong trẻo có Âm lượng ta suy ra kẻ đó Thần thanh Khí túc. Nói
khác đi, có quý tướng ngầm, ngày sau sẽ thành người hiển đạt và trường thọ.
Trái lại, nếu tướng ngũ Trọc, nhưng ánh Mắt hôn quyện, giọng trong trẻo nhưng thiếu Âm lượng thì dẫu các phẩm chất của Tai, Mũi, Miệng có tốt đến đâu cũng chỉ may mắn phát đạt nhất thời, chung cuộc khốn nạn thê thảm.
Tóm lại, trong tướng học Á Đông nguyên tắc Thanh Trọc chi phối tất cả mọi lĩnh vực quan sát, từ bộ vị đến toàn thân, từ hình tướng đến tâm tướng. Để kết thúc tiểu đoạn này, xin đơn cử một đoạn trích văn của Phạm Văn Viên tác giả cuốn tướng pháp nổi danh Thủy kính tập như sau: “Tướng học bàn về Thanh, Trọc tuy nói đến việc quan sát học đường
* nhưng kẻ tướng pháp thượng thặng thực ra phải đặt nặng việc quan sát Thanh Trọc vào việc thẩm định mục thần và Khí phách xem nó có phối hợp với bộ vị hay không.
Kẻ sáng Mắt, thần Khí ẩn tàng, nhìn người thì nhìn chính diện và như xạ vào mặt người đối diện, dám nói dám làm, dũng cảm trước việc khó khăn, hay dung người, không câu chấp những sai lầm nhỏ nhặt là kẻ có thần và Khí Thanh. Dẫu bộ vị có khuyết hãm. Khí Sắc hôn ám, thân hình không toàn mỹ thì vẫn là tướng quý vì đó là tướng Trọc trung hữu Thanh. “
* Học đường là lối mệnh danh một số bộ phận của khuôn mặt như Mắt, trán, Tai, Miệng, Lông Mày, Ấn Đường. Lối mệnh danh này chỉ thấy trong các sách viết về tướng trước tác từ các đời Minh, Thanh trở về trước. Ngày nay, lối mệnh danh này không còn thông dụng vì quá rườm rà.