QUAN NIỆM CỦA TƯỚNG HỌC Á ĐÔNG VỀ KHÍ PHÁCH TRONG NHÂN TƯỚNG HỌC

THẦN, KHÍ, SẮC VÀ KHÍ PHÁCH: KHÍ PHÁCH 

Khí phách là một thuật ngữ tương đối mới của tướng học cổ điển Á đông phát sinh từ một quan niệm độc đáo về Khí của tướng học gia đời Thanh là Phạm Văn Viên. Trước Phạm Văn Viên, Khí với ý nghĩa là Khí phách chứ không phải là Khí Sắc đã thấy manh nha qua một đoạn văn của Lữ Hy đời Tống : “Kẻ hậu sinh mới học quan sát thế sự cần phải lưu tâm đến Khí tương con người. Xét dung mạo cử chỉ, ngôn ngữ xem khinh trọng mau chậm ra sao là biết được tiểu nhân và quân tử. Khí tượng còn gọi là cội rễ giúp ta đoán được quý tiện thọ yểu của con người nữa. Nhưng trừ Lữ Hy ra, những sách tướng cổ điển của các đời Minh, Thanh trước đều hiểu Khí dưới Khía cạnh tĩnh và Khí chỉ là căn nguyên nội tạng của Sắc. Sắc ở ngoài da, Khí ở trong thịt và được Sắc làm phát lộ ra. Vì có sự tương quan mật thiết giữa Khí và Sắc như vậy nên người ta thường cho là không thể tách rời Khí ra khỏi Sắc và cả hai trở thành một đối tương quan sát hợp nhất: Khí Sắc.

Đến khi Phạm Văn Viên soạn cuốn sách tướng nổi danh Thủy kính tập thấy rằng hiểu ý nghĩa của Khí một cách chật hẹp, dưới Khía cạnh tĩnh và có cách cơ cấu đó chưa đủ, ông lại ngại rằng nếu dùng từ ngữ Khí đơn độc có thể gây ngộ nhận nên ông đã đặt ra một danh từ mới là Khí phách để chỉ những tác dụng khác của Khí, nhìn dưới nhãn quang động qua để chỉ những tác dụng ngoại biểu của nó.

Ông viết : “Xưa nay nói là xem Khí mà biết được tử sinh phúc họa của con người thì đó không phải là Khí Sắc mà là Khí Phách. Cả hai đều có trạng thái sống chết, Tai ương, may mắn. Làm sao để phân biệt được Khí Sắc với Khí phách? Khí Sắc ở ngoài da thịt biến đổi theo bốn mùa, Khí phách ở ngay trong cơ thể của con người. Ở vị thế tĩnh có thể định được giờ khắc sống chết, xa thì có thể đoán được sự hưng phế của con người trong mấy chục năm tới.

Tóm lại, dưới nhãn quang tướng học Á Đông, phạm vi của Khí Sắc là cơ cấu nội tạng của Khí, còn phạm vi Khí phách là phần cơ năng tác dụng của Khí biểu lộ ra ngoài bằng các động tác tiêu cực hoặc tính cực. Nếu khi nhìn dưới Khía cạnh Sắc liên quan mật thiết tới màu da thì trong Khía cạnh phách, Khí liên quan chặt chẽ với thần và được chú trọng hơn phần Sắc rất nhiều. Tướng thuật có câu: có Khí phách thì mới tạo ra được công danh phú quý. Khí phách phân ra lớn nhỏ, tinh thần chia ra mạnh yếu. Hình hài nhỏ bé mà Khí phách lớn rộng, thân xác yếu đuối mà tinh thần mạnh mẽ sáng suốt đều là tướng cực quí, sự béo gầy, dài ngắn của cơ thể đều là nhửng yếu tố phụ không cần quan tâm lắm. Ý nghĩa độc đáo này đi ngược tư tưởng “une ame sai dans un corps sain”(Một tâm hồn lành mạnh trong một thể xác khang kiện) của Tây Phương thì các lực sĩ đô vật, các Mr Univeers đều có tâm hồn Thanh khiết, cao quí? Nhưng sự thực lại khác hẳn ! Hơn nữa, gầy gò như thánh Cam Địa (Mahatta gandi) của Ấn Độ, thấp bé so với chủng loại như Nã Phá Luân đệ nhất hoặc thừa tướng Án Anh nước Tề thuở xưa đứng chưa tới ngực tên đánh xe theo hầu là kẻ ti tiện chăng? Chỉ có ý niệm Khí phách của tướng học Trung Hoa mới giải thích được tại sao những tại sao những người nhỏ bé hoặc gầy yếu như Nã Phá Luân, thừa tướng Án Anh và đại lãnh tụ Cam đại là những vĩ nhân để lại tiếng thơm tới hậu thế. Chỉ có ý niệm Khí phách mới làm tỏ rõ được quan niệm cho rằng giá trị con người do ở sự phát triển của bộ óc chứ không phụ thuộc vào sức mạnh của bắp thịt.

Viết một bình luận