“Khi một tâm hồn mở ra đề chia sẻ tĩnh yêu thì sẽ có hàng ngàn cách đề biểu lộ tình ỵêu ấỵ. ”
– Hugh-Gayle Prath
Mẹ tôi bị chứng bệnh tâm thần phần liệt – hậu quả của những cơn đột quy mà trước đây bà vẫn thường gặp phải. Vì chứng bệnh đó mà chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ một người mạnh khỏe, lúc nào cũng tươi cười, bà dần không thể tự làm những công việc thường nhật được nữa. Với hoàn cảnh gia đình tôi lúc này, đây quả là một cú sốc. Chồng tôi công tác ở xa, thỉnh thoảng mới về nhà được vài ngày; còn tôi thì cần phải đi làm để có thể trang trải chi phí cho cả gia đình. Đồng lương ít ỏi của tôi không cho phép tôi có thể thuê một người giúp việc cho mẹ. Thế là tôi chỉ trông chờ vào hai đứa con của tôi, Theresa chín tuổi và Ben vừa lên sáu, trong việc giúp đỡ, chăm sóc bà ngoại.
Nhưng càng ngày, tình hình của mẹ tôi càng xấu dần đi. Đến lúc này thì bà lúc nhớ lúc quên, hành động ngây ngô như một đứa trẻ, suốt ngày lẩm bẩm những điều không đầu không đuôi… Tôi biết đã đến lúc tôi phải đối mặt với một quyết định khó khăn: bỏ việc ở công ty.
Dù rất tiếc nuối vị trí mình đang làm nhưng tôi hoàn toàn không còn sự lựa chọn nào khác. Mẹ đang cần tôi, và tất nhiên, tôi không thể để bà một mình được. Thế là ngay ngày hôm sau, ba mẹ con tôi dắt díu nhau về ở bên nhà ngoại.
Thời điểm gian nan nhất là khi mẹ tôi không còn nhớ mặt con cháu mình, cứ một mực cho rằng chúng tôi là người lạ. Thỉnh thoảng, bà còn tỏ ra hết sức ngạc nhiên vì không thể nhận ra ngôi nhà mà mình đã sinh sống suốt hơn 30 năm ròng. Có lần, tôi dọn bữa tối cho mẹ, bà cứ ngỡ là mình đang đi ăn ở nhà hàng nên nhất quyết đời thanh toán hóa đơn.
Các con tôi từng có rất nhiều thời gian bên bà ngoại trước khi bà bị bệnh. Khi đó, mẹ vẫn thường giúp tôi trông nom chúng mỗi khi tôi bận bịu việc cơ quan. Ba bà cháu thương nhau lắm, cứ quấn quýt bên nhau không lúc nào rời. Mẹ dạy con gái Theresa của tôi nhào bột và nướng bánh. Thỉnh thoảng, bà lại cặm cụi sơn móng tay cho con bé – điều mà nó rất thích. Còn Ben – con trai tôi – thì được bà ngoại bày cho đủ mọi trò chơi, từ Go Fish, Crazy Eight đến cả trò Rummy mà bà thích nhất.
Thế nhưng lúc này đây, bọn trẻ phải học cách làm quen với một “bà ngoại mới”, và với những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Giấc ngủ của chúng thường bị ngắt quãng bởi mẹ tôi hay tỉnh giấc lúc nửa đêm, lục đục làm việc gì đó hay rì rầm nói chuyện một mình. Bà không còn có thể chăm sóc cho chúng như trước, không chơi đùa hay âu yếm chúng nữa. Giờ đây, bà chỉ như một đứa bé cần được chăm sóc và yêu thương thật nhiều.
Hôm nọ, tôi bất ngờ nhìn thấy Ben bỏ hẳn chương trình phim hoạt hình yêu thích nhất của mình để dành thời gian ngồi chơi với bà ngoại. Thằng bé dạy lại cho bà chơi trò Rummy, trò mà trước đây bà vẫn rất thích.
– Rummy! – Nó kêu thét lên. – Bà ngoại thắng rồi!
Rõ ràng, thằng bé đã nhường cho bà ngoại thắng, dẹp hẳn cái tính háo thắng thường ngày.
Cứ thế, nó kiên nhẫn, tận tình chỉ cho bà từng chút một, mặc dù bà đã quên hết cách chơi, thậm chí chẳng còn nhận được mặt quân bài.
Nhiều lần sau đó cũng vậy, tôi nhìn thấy trong ánh mắt và giọng nói thằng bé tràn ngập tình thương mỗi khi nó ngồi chơi bài với bà ngoại.
Một lần, mẹ tôi bị viêm phổi, phải vào viện điều trị mấy ngày. Khi chúng tôi đón bà về, các bác sĩ dặn rằng phải tập cho bà cử động thường xuyên theo phương pháp vật lý trị liệu để giữ cho các cơ ở tay và chân không bị thoái hóa. Tôi loay hoay mãi với những bài tập mà chẳng thể nào giúp mẹ khá hơn, nhưng Ben thì có cách của riêng nó.
Thằng bé biến bài tập thành một trò chơi. Cứ mỗi chiều, nó và bà lại cùng chơi bóng trong nhà, vừa nhẹ nhàng lại vừa bảo đảm rằng đôi chân bà ngoại được hoạt động.
– Vào, vào rồi! – Nó la lên, giơ tay lên đầu mỗi khi mẹ tôi đá được trái bóng đi.
Còn Theresa, thỉnh thoảng, tôi thấy con bé gạt nước mắt, ngậm ngùi và tủi thân khi bà không thèm đoái hoài gì đến nó. Điều đó khiến tôi rất lo, sợ rằng con bé sẽ nghĩ rằng bà không còn thương nó nữa.
Nhưng rồi một bữa nọ, tôi bắt gặp Theresa ngồi với bà ngoại bên bàn học. Đôi bàn tay nhăn nheo của mẹ tôi đang đặt trong lòng bàn tay nhỏ nhắn của nó.
– Ngoại thích màu nào nè?
– Con bé dịu dàng hỏi rồi cặm cụi sơn móng tay cho bà một cách nhẹ nhàng, đầy trìu mến. Lần khác, Theresa ngồi bên chiếc piano, dạo những bài hát mà nó biết bà ngoại sẽ nhớ ra, hoặc những bài mà trước đây, hai bà cháu từng hát chung với nhau. Mẹ tôi lẩm nhẩm hát theo, còn con bé mỉm cười rất tươi, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.
Tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ phải vất vả để dạy cho các con cách thích nghi với những thay đổi hoàn cảnh quá lớn này, nhưng thay vào đó, chính tôi lại được học từ chúng. Những bài học ấy không được phát ra bằng ngôn từ mà thông qua việc làm, qua ánh mắt ngây thơ, qua đôi tay bé bỏng và trái tim biết yêu thương của hai đứa trẻ.