1. Thế giới này đầy những khổ đau. Sanh cũng khổ, già, bệnh, chết cũng khổ, phải gặp kẻ mà ta ghét cũng khổ, phải chia xa người mà ta yêu thương cũng khổ, mong muốn mà không có được cũng khổ. Quả thật, người chưa lìa bỏ sự chấp trước thì tất cả đều khổ. Đây gọi là sự thật về khổ (khổ đế).
Nguyên nhân nào dẫn đến khổ đau của nhân gian? đó là do những khát ái nơi thân và những si mê trong tham dục. Nếu tìm về căn nguyên của những phiền não này, sẽ thấy chúng có nguồn gốc từ những ham muốn bản năng. Những dục vọng như thế có bản chất chấp nê đối với sự sống, tìm kiếm những điều như ý cho dù đến chết. Đây gọi là sự thật về nguyên nhân của khổ (tập đế).
Nếu tận diệt tất cả, không còn những gốc rễ phiền não này, lìa khỏi tất cả mọi chấp trước thì sẽ không còn khổ. Đây gọi là sự thật về việc chấm dứt khổ (diệt đế).
Để vào được cảnh giới không còn khát ái và khổ đau thì phải tu hành bát chánh đạo. Đó là, chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Bát chánh đạo này là con đường chân chánh để diệt trừ nguyên nhân đưa đến khổ đau (đạo đế).
Người con Phật phải luôn ghi nhớ những chân lý này. Vì cuộc đời đầy dẫy khổ đau, những ai muốn thoát khỏi khổ đau ấy đều phải dứt bỏ cội rễ phiền não. Chỉ nhờ sự giác ngộ thì con người mới có thể đạt đến cảnh giới không còn khổ và phiền não. Có được sự giác ngộ là nhờ tám chánh đạo này.
2. Những ai cầu giác ngộ thì đều phải biết bốn thánh đế này. Do vì không biết những điều này mà con người mãi lang thang trong đường mê. Người hiểu biết được tứ thánh đế thì gọi là người có được con mắt giác ngộ.
Do đó, những ai muốn thực hành theo lời dạy của Phật thì phải biết một cách rõ ràng về giáo lý tứ thánh đế này. Thánh giả, dù bất cứ thời đại nào, nếu là bậc thánh chơn chánh đều là người đã chứng ngộ tứ thánh đế này, là người giảng dạy tứ thánh đế này.
Khi hiểu rõ về bốn chân lý này thì con người bắt đầu lìa xa dục vọng, không tranh cãi với thế gian, không sát hại, không trộm cắp, không phạm tà hạnh, không dối trá, không khinh khi, không xu nịnh, không ghen ghét, không nóng giận, không quên cuộc đời là vô thường, không lầm đường lạc lối.
3. Thực hành thánh đạo cũng giống như bước vào căn phòng tối với ngọn đèn trên tay, bóng tối sẽ biến mất và gian phòng sẽ được chiếu sáng.
Những ai hiểu rõ ý nghĩa tứ thánh đế này và học theo tứ thánh đế này thì kẻ đó có ngọn đèn trí tuệ, xoá tan bóng tối của vô tri. Đức Phật dẫn dắt chúng sanh bằng việc chỉ ra bốn thánh đế này. Người học tập đúng lời Phật dạy, nhờ tứ thánh đế này mà đạt được giác ngộ chân thật, sẽ là nơi nương tựa và bảo hộ cho con người trong thế gian. Vì tứ thánh đế đã được rõ và gốc rễ phiền não vô minh đã được diệt trừ.
Người đệ tử Phật nhờ tứ thánh đế này mà thấu hiểu được những giáo lý khác, có được công đức và trí tuệ hiểu biết những điều khác, cho dù đối với ai thì cũng có thể nói pháp một cách tự tại.