Tổng quát về tướng phụ nữ
Hầu hết các tướng cổ điển chỉ lưu tâm đến các nét tướng và loại tướng đàn ông, còn các nét tướng đàn bà hầu như không được chú trọng, thảng hoặc có đề cập đến thì cũng chỉ trong một phạm vi hạn hẹp. Sở dĩ như vậy là vì trong xã hội cổ truyền nông nghiệp, đàn bà chỉ lo việc gia đình, mọi công việc ngoài đời đều do đàn ông đảm nhiệm, nên nói đến tướng là ta nghĩ ngay đến tướng đàn ông để dự đoán xem tương lai của họ trong đời sống xã hội sẽ thành công hay thất bại, phú quý hay bần tiện; kế đó, nếu đi sâu vào mạng vận đàn ông hơn thì ta sẽ xét đến đường gia đạo của kẻ đó xem vấn đề vợ con ra sao mà thôi. Xem tướng đàn bà trong các điều kiện văn hoá và xã hội kể trên chỉ nên coi là phần tướng về gia đạo của đàn ông.
Như vậy ta không thể coi đó là xem tướng đàn bà một cách thực sự, mà đó chỉ là quan sát đàn bà để giúp cho đàn ông nắm vững gia đạo mà thôi. Gần đây, môt số tác giả về tướng học Á Đông, nhất là Nhật Bản, đã phát triển khảo sát hướng tướng đàn bà, nhưng xét kỹ bản chất cũng như mục đích tối hậu của nó, ta thấy quan niệm “nam ngoại nữ nội” vẫn còn là tư tưởng chỉ đạo trong việc nghiên cứu.
Cuốn sách này, với tham vọng đúc kết những kiến thức tướng học rải rác từ trước đến nay, dĩ nhiên không thể nào đi quá xa ra ngoài quỹ đạo tư tưởng cổ điển về tướng đàn bà, hoặc nói đến, nhưng quá thiên lệch, soạn giả đã căn cứ vào các tài liệu cận đại và đương thời của các đặc khảo về tướng đàn bà biên soạn thành một chương đặc biệt mệnh danh là Tướng phụ nữ để quý vị đọc giả rộng đường tham khảo.
Cái đẹp của thế tục và cái đẹp của tướng học trong tướng đàn bà Giữa cái đẹp của thế tục và cái đẹp của tướng học về tướng mạo phụ nữ ta có một phần tương đồng, nhưng một phần khác lại hoàn toàn tương phản. Dưới con mắt người thường, xưa cũng như nay, ta thường thấy kẻ đã được gọi là mỹ nhân thì da thịt mềm mại, vẻ mặt thiên kiều bá mỹ, tỷ như ánh mắt trong trẻo lóng lánh như mặt nước hồ thu, da trắng như trứng gà bóc, má ửng hồng phơn phớt như trái đào đang chín.
Nhưng dưới mắt tướng học, đàn bà có tướng cách như trên là tướng dâm tiện, phần lớn là những ca nhi, kỹ nữ, dâm phụ trong lịch sử đều có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành; đàn ông kết duyên với họ thì chỉ có hứng khởi nhất thời mà đa số thì nhơ danh hoặc ngậm hờn muôn thuở. Bao Tự, Đắt Kỷ, Tây Thi, Dương Quý Phi, Chiêu Quân là những trường hợp điển hình cho loại đàn bà đẹp dưới con mắt thế tục mà hậu quả đem lại cho những chủ nhân các bông hoa biết nói đó ra sao thiết tưởng không ai không rõ.
Cái đẹp thế tục của những người đó dưới mắt tướng học lại là những cái xấu cho chính họ lẫn người đàn ông thân cận với họ. Ngược lại, những người nguyên phối, vợ lớn của các danh nhân lương thần, giúp chồng thành đạt hoặc mang lại hanh thông cho chồng con đều không mấy người có diện mạo, thân hình mỹ miều, nhiều khi còn dưới mức trung bình là khác. Nhưng dưới con mắt tướng học, những người đó là những phụ nữ cát tướng: tướng cách của họ tốt với ý nghĩa là phúc lộc dồi dào, vượng phu, ích tử.
Dưới con mắt thế tục, là xú phụ, nhưng dưới nhãn quang tướng học, họ lại là lương thê, hiền mẫu, đáng trọng đáng kính. Điều này giải thích tại sao tục ngữ Trung Hoa có câu: “Lấy vợ là lấy cái đức, cón lấy nàng hầu vợ lẽ thì lấy cái sắc”, hoặc như Việt Nam ta vẫn nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”. Bởi vậy, trong sách tướng, nói về tướng đàn bà, người ta phân biệt Sắc tướng mỹ tức là đẹp hời hợt với Tướng cách mỹ là cái đẹp thực tiềm tàng, chỉ có con mắt tinh đời mới thấy.
Trong thực tế, thanh niên mới vào đời, phần nhiều chưa đủ tiền tài, danh vọng. Chỉ sau khi thành lập gia thất, đến tuổi trung niên, phát đạt mới sinh ra liễu ngõ hoa tường, ăn chơi trác táng. Họ thường lân la tới hý trường, kỹ viện tìm hoa chì những nơi này thường có nhiều loại phụ nữ sắc tướng mỹ. Đàn ông lấy vợ lẽ, nàng hầu phần lớn vì sắc chớ không vì tài đức. Đàn bà có sắc tướng mỹ thường xuất thân làm kỹ nữ, lấy chồng thường chỉ làm vợ lẽ, nàng hầu. Do đó, sắc tướng mỹ chỉ là tiện cách chứ không phải là quý cách.
Người xưa, quá chú trọng đến phần tướng cách mỹ mà lại rất nghiêm khắc đối với loại sắc tướng mỹ. Điển hình cho thái độ trên là Viên Liễu Trang trong cuốn Liễu Trang tướng pháp đã liệt kê tới 72 tướng cách ty tiện của đàn bà với chủ trương rằng phạm vào một số là dâm tướng (xem phần phụ luận về tướng ở cuối chương này).