“Thước đo của sự giàu có không phải ở những thứ ta đang sở hữu, mà là những thứ ta không thể mua được bằng tiền. ”
– Khuyết danh
Mấy chục năm trước, tôi từng là trợ lý cho một vị giám đốc già. Giữa tôi và ông thường có những cuộc tranh luận về đầu tư, về nghĩa vụ của một doanh nhân với quốc gia… Là một kế toán, bệnh nghề nghiệp khiến tôi rất chặt chẽ trong chi phí, trong khi ông lại rất hay bỏ tiền vào những việc mà tôi cho là không đâu. Vì vậy có nhiều chuyện tôi không đồng ý với ông.
Thế nhưng, một kỷ niệm với ông khiến tôi không thể nào quên, dù thời gian đã lùi xa…
Hôm đó, trên đường công tác cùng nhau, tôi và ông phải chờ máy bay tại một phi trường lớn. Trong lúc chờ đợi, tôi mở cuốn sách dở dang ra đọc tiếp, còn sếp, ông đi tìm chỗ.
Dù đi xa hay gần, một ngày thế nào ông cũng gọi cho bà dăm bận, khi thì nhắc bà uống thuốc, lúc dặn bà khóa bếp ga cho kỹ, khi thì hỏi xem hôm đó con gái có đưa cháu về thăm bà hay không… Tôi trân trọng tình cảm của ông, nhưng nhiều khi cũng thấy… sốt ruột: già rồi mà… chỉ toàn lo những chuyện lẩn thẩn.
Đọc sách một lúc, tôi chợt nghe tiếng loa thông báo chuyến bay của chúng tôi sắp khởi hành. Nhìn quanh không thấy sếp, tôi vội đi tìm.
Thì ra ông vẫn còn ở trong buồng điện thoại công cộng. Nghĩ ông không nghe thấy tiếng loa thông báo, tôi đến gần lấy tay ra hiệu. Lần thứ nhất không thấy ông có phản ứng gì, tôi gõ vào cửa kiếng và ra
hiệu lần thứ hai, nhưng lúc này tôi mới nhận thấy thì ra ông không nhìn tôi mà đang nhìn sang buồng điện thoại bên cạnh.
Ở buồng bên, một anh lính trẻ khoác chiếc ba lô căng trên lưng, đang hối hả nói vào máy nghe: “Mẹ ơi, mẹ nói nhanh đi… Con muốn… nhưng người ta không chịu đổi vé… Mẹ gọi lại cho con nhé. Con hết tiền rồi… Số ở đây là 356… ” Người lính nói chưa dứt câu, từ máy điện thoại đã phát ra tiếng tít tít.
Từ buồng điện thoại bước ra, với vẻ ân cần của một người cha, sếp tôi tới bên người lính trẻ: “Có chuyện gì buồn vậy, chàng trai trẻ?”. “Cháu thiếu 20 đô-la nữa mới đủ tiền đổi vé máy bay về thăm mẹ.
Cháu đang nghỉ phép. Đơn vị có mua vé cho cháu về nhà, nhưng ngặt nỗi hiện tại mẹ cháu lại không có nhà. Mẹ cháu đang bị bệnh và nằm ở nhà chị cháu. Nếu cháu cứ lần lừa nơi đây chắc sẽ không thể về thăm mẹ, bởi cháu chỉ có 5 ngày phép… ”
– người lính bẽn lẽn xốc lại ba lô.
Sếp tôi thò tay vào túi rút ra một tờ giấy bạc: “Cậu cầm lấy mà về thăm mẹ. Tôi không cho cá nhân cậu. Đây là phần đóng góp của tôi đối với đất nước”. Cậu lính trẻ rụt rè đưa tay ra nhận tiền, nhưng khuôn mặt thì rạng ngời bởi nụ cười rộng toác.
Tôi thầm tự hỏi: Liệu có khoản chi nào trong cả một năm tài chính của một doanh nghiệp giá trị hơn 20 đô-la mà sếp tôi đã dùng để giúp chú lính nọ về với mẹ?