“Hai chân tôi không thể bám chặt mãi trên con đường mòn trơn trượt nên cũng có lúc tôi lệch khỏi đường đua cuộc đời. Nhưng dẫu sao, tôi cũng gắng gượng và tự nhủ rằng, đó chỉ là một cú trượt và nó không thế nào làm tôi gục ngã. ” – Abraham Lincoln
Michael Dowling là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những ngân hàng lớn nhất tiểu bang Minnesota, và từng được phòng Thương mại Hoa Kỳ bầu chọn là vị lãnh đạo tiêu biểu của năm. Tuy nhiên, không những là người rất thành công trên thương trường, ông còn có được một mái ấm hạnh phúc mà rất nhiều người phải mơ ước. Nhờ những thành công trong sự nghiệp và gia đình như vậy, ông trở thành nhân vật khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình, báo chí hoặc các buổi họp mặt truyền thống. Một lần, ông được mời đến thăm các thương bệnh binh ở thành phố Luân Đôn – những con người đã phải đối mặt trực tiếp với Thế chiến thứ II khốc liệt. Khán giả buổi nói chuyện đặc biệt ngày hôm ấy là những thương bệnh binh đã mất đi hoặc đôi mắt, hoặc cánh tay, hoặc đôi chân, và cả những phần thân thể khác nữa. Không những thế, họ còn chịu một dư chấn nặng nề về tâm lý trước những đau thương, mất mát đã chứng kiến hoặc gặp phải nơi chiến trường.
Mở đầu buổi nói chuyện, Michael nói với các khán giả của ông rằng những thương tích mà họ đang gánh chịu chẳng đáng là gì; rằng thay vì chìm đắm trong thất vọng, đau khổ, họ hãy đứng lên, hăng hái trở lại và tiếp tục cống hiến cho cuộc sống. Ngay lập tức, nhiều tiếng xì xào phản đối nổi lên. Những người thương bệnh binh cảm thấy mình bị xúc phạm trước những lời nói đó, bởi họ cho rằng một người đang có trong tay tất cả như Michael Dowling làm sao có thể hiểu được những đau đớn, mất mát mà họ phải gánh chịu.
Rất bình thản, Michael tiếp tục bài phát biểu của mình ông khuyên họ hãy giữ vững niềm tin vào bản thân và tự đặt ra những mục tiêu để phấn đấu.
Đó là một bài phát biểu ngắn gọn và súc tích, nhưng qua phản ứng gay gắt của khán giả thì có vẻ nó hoàn toàn không đúng lúc, đúng chỗ chút nào. Khi ông kết thúc, cơn thịnh nộ của các thương bệnh binh đã lên tới đỉnh điểm. Họ lớn tiếng phản đối, chê bai lẫn thóa mạ ông.
Nhưng lạ thay, vị chủ tịch không hề nao núng. Ông im lặng, bình thản ngồi xuống chiếc ghế gần đó và bắt đầu “tháo” chân phải của mình ra.
Thật là một tình huống quá bất ngờ. Trông thấy cảnh đó, những người lính có vẻ lắng dịu đi một chút. Họ chăm chú quan sát hành động kỳ lạ của ông. vẫn với những cử động khoan thai, từ tốn, Michael tháo tiếp một bên chân còn lại của mình.
Đến lúc này, những tiếng la ó đã ngừng bặt. Nhưng không chỉ có vậy, Michael lặng lẽ tháo luôn cánh tay phải, bàn tay trái của mình. Và cuối cùng, ông ngồi đó như một gốc cây cụt, không còn đôi tay hay chân, chỉ có đôi mắt vẫn ánh lên tia nhìn kiên nghị.
Hơn cả hàng trăm dẫn chứng hùng hồn, hàng ngàn lời chia sẻ hoa mỹ, Michael đã hoàn toàn chinh phục được tất cả những người có mặt ngày hôm đó. Ông tiếp tục nói, những lời tâm tình dịu dàng của một người đồng cảnh ngộ, rằng thành công của mỗi người phụ thuộc vào việc họ có dám đặt ra cho mình những mục tiêu phấn đấu hay không và mức độ nhẫn nại để thực hiện những mục tiêu ấy đến đâu. Những người cựu chiến binh yên lặng. Người đàn ông tật nguyền đang phát biểu trên bục kia đã thực sự truyền vào lòng họ một sức sống mới. Tất cả họ có thể làm theo những gì ông đã làm và rồi họ sẽ thành công như ông vậy. Chính thái độ nhụt chí đã tạo nên sức ì không nhỏ kéo họ lại phía sau, khiến họ không thể vượt qua tình trạng bệnh tật của bản thân mìnhỂ Ngày hôm ấy, Michael Dowling đã kể lại câu chuyện cuộc đời ông.
Năm 14 tuổi, trong một cơn bão tuyết kinh hoàng, cậu bé Michael Dowling bị rơi ra khỏi xe ngựa. Cú ngã đó đã khiến toàn thân Michael bị giập nát, và khi được mang vào bệnh viện thì đã quá muộn để có thể cứu được tứ chi của cậu. Hai chân, cánh tay phải và bàn tay trái của Michael đã hoại tử vì cái lạnh chết người giữa mùa đông. Tương lai nào cho một thiếu niên nghèo khó và khuyết tật như Michael?
Trong tình trạng có thể làm nản lòng cả những con người mạnh mẽ nhất ấy, sức sống và những ước mơ trong Michael Dowling lại bừng lên mãnh liệt. Một mình, cậu tìm đến và xin gặp bằng được các nhà lãnh đạo địa phương để trình bày nguyện vọng của mình. Cậu xin họ hỗ trợ chi phí gắn các chi giả cho cậu, bù lại, cậu sẽ là người tham gia tích cực mọi hoạt động tình nguyện tại địa phương. Và sau này lớn lên, khi trở thành một doanh nhân thành đạt, cậu sẽ hoàn trả lại mọi chi phí và tài trợ cho các chương trình kinh tế, giáo dục của quê nhà.
Và lời cam kết của cậu bé 14 tuổi lúc ấy đã trở thành hiện thực.
Michael Dowling, người đàn ông tật nguyền ấy đã trở thành một tấm gương vĩ đại về sự thành đạt, không phải bằng một nền tảng vững chắc của sự giàu có, không phải bằng một cơ thể khỏe mạnh, mà bằng việc đặt ra một mục tiêu trong khối óc và trái tim mình. Nếu bạn vững tin, mọi chuyện đều có thể trở thành hiện thực!